Hãng tin Reuters ngày 26-1 dẫn thông tin độc quyền từ ba nguồn tin tình báo Tây Âu cho biết đã phát hiện Triều Tiên chuyển than qua Nga, sau đó từ Nga xuất số than này sang Hàn Quốc và Nhật. Sự việc diễn ra vào năm 2017, theo Reuters.
Theo các nguồn tin này, Triều Tiên đã ít nhất ba lần bị phát hiện chuyển than đến các cảng Nakhodka và Kholmsk của Nga. Số than này được tháo khỏi tàu Triều Tiên ngay tại cảng, sau đó được chuyển lại lên các tàu khác và được chở sang Hàn Quốc hay Nhật.
Than từ Triều Tiên qua Nga rồi sang Nhật, Hàn
Một tàu sử dụng tuyến đường từ Triều Tiên đến cảng Nakhodla là tàu tên Jian Fu mang cờ Palau. Tài liệu kiểm soát cảng của Nga cho thấy tàu này chở 17.415 tấn than, xuất phát từ Nampo ở Triều Tiên vào ngày 3-8-2017 và cập bến tàu số 4 cảng Nakhodka do Công ty LLC Port Livadiya quản lý. Tàu này rời cảng Nakhodka ngày 18-8-2017.
Một tàu vận tải chở đầy than tại cảng Rajin (Triều Tiên), ngày 18-7-2014. Ảnh: REUTERS
Tàu Jian Fu tắt hệ thống phát tín hiệu định vị từ ngày 24-7-2017 đến ngày 2-8-2017, khi đang trên vùng biển sâu, theo dữ liệu theo dõi tàu. Một tàu khác đến bến tàu số 4 cảng Nakhodka ngày 16-8-2017, đưa lên tàu 20.500 tấn than sau đó di chuyển về cảng Ulsan (Hàn Quốc) ngày 24-8, theo tài liệu kiểm soát cảng của Nga.
Cảng Kholmsk nằm trên đảo Sakhalin của Nga ở Thái Bình Dương, nằm phía bắc Nhật. Ít nhất đã có hai tàu Triều Tiên dỡ than tại cảng Kholmsk trong tháng 8 và 9-2017 sau khi đến từ các cảng Wonsan và Taean ở Triều Tiên, theo dữ liệu kiểm soát cảng và theo dõi tàu của Nga.
Cụ thể, tàu Rung Ra 2 đến cảng Kholmsk ba lần trong thời gian từ ngày 1-8 đến ngày 12-9-2017, dỡ xuống tổng cộng 15.542 tấn than. Trong khi tàu Ul Ji Bong 6 đến cảng Kholmsk hai lần trong khoảng ngày 3-8 đến ngày 8-9-2017, dỡ xuống tổng cộng 10.068 tấn than.
Số than này không được hải quan Nga duyệt vì vướng lệnh trừng phạt của LHQ, tuy nhiên sau đó lại được bốc chuyển tiếp lên các tàu do người Trung Quốc vận hành. Trong tài liệu kiểm soát cảng của Nga, các tàu này khai điểm đến là Triều Tiên. Tuy nhiên, dữ liệu theo dõi tàu lại cho thấy thực tế các tàu này di chuyển về các cảng Pohang và Incheon ở Hàn Quốc.
“Cảng Nakhodka của Nga trở thành một điểm trung chuyển của than Triều Tiên” - Reuters dẫn lời một trong số các nguồn tin châu Âu đề nghị không nêu tên vì tính nhạy cảm trong quan hệ ngoại giao quốc tế quanh vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, hãng tin này cho biết không thể xác minh độc lập chuyện liệu số than được tháo xuống khỏi các tàu tại các cảng Nga có phải là số than sau đó được chuyển đến Hàn Quốc hay Nhật hay không. Reuters cũng cho biết không thể khẳng định những người chủ các tàu đi từ Nga sang Hàn Quốc và Nhật biết nguồn gốc số than này hay không.
Mỹ nói Triều Tiên buôn lậu than
Hãng tin Reuters cho biết đã liên hệ Bộ Ngoại giao Nga về thông tin này từ ngày 18-1 nhưng không được giải thích. Trước đó, ngày 3-11-2017, phái bộ Nga tại LHQ báo cáo với Ủy ban trừng phạt HĐBA rằng Nga tuân thủ nghiêm túc trừng phạt Triều Tiên.
Than từ Triều Tiên được dỡ xuống cảng Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) ngày 7-12-2010. Ảnh: REUTERS
Khi được Reuters hỏi về vụ việc, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết: “Chính phủ chúng tôi đang theo dõi tất cả hoạt động lẩn tránh trừng phạt của Triều Tiên. Chúng tôi đang hợp tác chặt với cộng đồng quốc tế thi hành trừng phạt”. Quan chức này không nói rõ Hàn Quốc có biết về các vụ chuyển than mà Reuters đề cập hay không. Hiện chưa rõ số than này được chuyển tới công ty nào ở Hàn Quốc. Bộ Ngoại giao Nhật cũng chưa bình luận.
Bộ Thương mại Trung Quốc chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Theo các nguồn tin châu Âu, lý do Triều Tiên phát triển đường buôn lậu than qua ngả Nga là vì Trung Quốc gần đây ngưng nhập khẩu than Triều Tiên.
Một nguồn tin an ninh Mỹ cũng xác nhận chuyện Triều Tiên xuất than qua tuyến hàng hải đến Nga và cho biết việc này vẫn đang tiếp diễn. Nhà Trắng chưa trả lời yêu cầu bình luận từ phía Reuters. Trong khi đó, khi được hỏi về vụ việc, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Rõ ràng Nga cần làm nhiều hơn nữa. Mọi nước thành viên LHQ trong đó có Nga đều có bổn phận thi hành trừng phạt và chúng tôi mong đợi họ sẽ làm vậy”.
Vi phạm trừng phạt LHQ?
Hai luật sư chuyên về luật trừng phạt nói với Reuters rằng vụ việc nếu chính xác thì đã vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ. Nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 5-8-2017 cấm Triều Tiên xuất khẩu than, nhằm cắt một nguồn ngoại tệ quan trọng cung cấp cho các chương trình vũ khí nước này. “Dựa vào các thực tế này, có vẻ đã có sự vi phạm nghị quyết HĐBA LHQ ở các bên liên quan” - theo luật sự Matthew Oresman, đối tác Công ty luật Pillsbury Winthrop Shaw Pittman (Mỹ) chuyên cố vấn các công ty về trừng phạt.
Trước đó, nghị quyết HĐBA năm 2016 yêu cầu các nước hằng tháng phải báo cáo chuyện nhập khẩu than Triều Tiên với Ủy ban trừng phạt HĐBA. Reuters dẫn thông tin từ các nhà ngoại giao LHQ đề nghị không nêu tên rằng Nga không hề báo cáo bất cứ vụ nhập khẩu than Triều Tiên nào với Ủy ban trừng phạt HĐBA trong năm 2017.
Bộ Tài chính Mỹ ngày 25-1 thông báo trừng phạt lên chín công ty, cơ quan, 16 cá nhân và sáu tàu Triều Tiên bị cho đã hỗ trợ các chương trình vũ khí nước này. Trong đó có một tàu liên quan đến vụ việc này, tàu UAL Ji Bong 6 vì chở than Triều Tiên đến cảng Kholmsk ngày 5-9-2017.
Tháng trước Reuters cũng từng đưa tin tàu Nga chuyển dầu cho tàu Triều Tiên ngay giữa biển. Trả lời phỏng vấn Reuters ngày 17-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cáo buộc Nga đang giúp đỡ Triều Tiên.