Nhật Bản bổ nhiệm ‘Bộ trưởng bộ cô đơn’

Tờ Japan Times hôm 12-2 đưa tin Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga vừa chỉ định ông Tetsushi Sakamoto đảm nhiệm chức vụ đặc biệt, phụ trách việc giám sát các nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết vấn đề cô đơn và cô lập, vốn đang trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Nhật Bản đang đối mặt với vấn nạn tự tử tăng cao giữa đại dịch COVID-19. Ảnh: CFP

“Phụ nữ đang chịu cảnh cô lập nhiều hơn so với nam giới và số vụ tử tự đang có xu hướng gia tăng. Tôi hy vọng ông sẽ nghiên cứu những vấn đề này và đưa ra các giải pháp chính sách một cách toàn diện” - Thủ tướng Suga nói với ông Sakamoto trong một cuộc họp.

Trong một buổi họp báo cùng ngày, ông Sakamoto cho biết trong vai trò mới ông sẽ “thực hiện các hoạt động để ngăn chặn sự cô đơn và cô lập cũng như bảo vệ mối quan hệ giữa con người với nhau”.

Đồng thời, ông Sakamoto cũng cho biết sẽ tổ chức diễn đàn khẩn cấp vào cuối tháng 2 này nhằm mục đích lắng nghe các ý kiến cũng như các biện pháp từ những người đang giúp đỡ các “nạn nhân” của sự cô đơn và cô lập.

Thủ tướng Suga dự kiến sẽ tham dự diễn đàn này.

Theo tờ Japan Times, giữa bối cảnh đại dịch COVID-19, việc chống lại sự cô đơn và cô lập là một nhiệm vụ cấp bách. Vì vấn đề này liên quan tới nhiều cơ quan nên chính phủ Nhật Bản sẽ thành lập một vị trí mới trong nội các, trong đó ông Sakamoto đóng vai trò trung tâm đưa sáng kiến chính sách vào thực tiễn.

Ông Sakamoto cũng chịu trách nhiệm thúc đẩy sự tham gia tích cực của người dân cũng như các biện pháp khắc phục tỉ lệ sinh giảm.

Tình trạng cô độc thường trở nên trầm trọng hơn khi xảy ra thiên tai và các thảm họa khác. Đơn cử, sau trận động đất Hanshin năm 1995, trận động đất và sóng thần Fukushima năm 2011, nhiều người lớn tuổi phải chuyển vào sống trong các căn nhà tạm thời và sau đó qua đời mà không có ai bên cạnh.

Những trường hợp như vậy trong tiếng Nhật Bản gọi là kodokushi và đã trở thành vấn đề lo ngại lớn trong dư luận Nhật Bản, tờ Nikkei Asia cho biết.

Đại dịch hiện nay đã làm trầm trọng hơn vấn đề. Được khuyến khích ở nhà và tránh tụ tập, người lớn tuổi tại Nhật Bản vốn không quen với việc giao tiếp online đã cảm thấy cô lập với thế giới bên ngoài.

Thậm chí giới trẻ Nhật Bản cũng thấy khó khăn với các biện pháp giãn cách xã hội, hơn nữa việc công ty, nhà trường đóng cửa cũng như một số người bị mất việc làm đã làm tình hình trở nên tệ hơn.

Chính phủ Nhật Bản tin rằng tình trạng hiện tại đã góp phần khiến tỉ lệ tự tử tăng cao. Tính riêng trong năm 2020, số vụ tự tử ở quốc gia này là 20.919, nhiều hơn 750 vụ so với năm 2019. Nhật Bản đồng thời cũng là quốc gia có tỉ lệ tự tử cao nhất trong nhóm G7.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm