Trong các mục tiêu chính sách khi tái nhậm chức vào tháng 9-2018, kế hoạch đăng cai tổ chức Thế vận hội Mùa hè 2020 tại thủ đô Tokyo là một trong những nỗ lực của ông Abe nhằm tạo một dấu ấn cá nhân cuối cùng trước khi chính thức giã từ chính trường vào tháng 9-2021.
Thế nhưng chưa kịp hoàn tất khâu tổ chức sự kiện tầm cỡ thế giới trên thì ông Abe đã bất ngờ lãnh trọn một "cú đấm" đau điếng: Đại dịch COVID-19.
COVID-19 đã tạo ra một sự hỗn loạn hiếm thấy trong nội bộ chính trị Nhật Bản hiện đại. Nền chính trị nước này ổn định trong hơn 20 năm qua là nhờ sự liên minh giữa hai đảng phái có quyền lực chi phối lớn nhất, gồm đảng LDP do Thủ tướng Shinzo Abe đứng đầu (đồng vai trò chủ tịch đảng) và đảng Công minh (Komeito) do ông Natsuo Yamaguchi làm lãnh tụ.
Quan hệ giữa hai đảng này có tính chất cộng sinh trong quá trình bỏ phiếu bầu cử, mang lại lợi ích chính trị rõ ràng cho các bên.
Liên minh chính trị này sẽ giúp LDP nắm được đa số ghế ở cả Thượng viện và Hạ viện, đồng thời giúp Komeito duy trì được sự tồn tại của mình với vai trò là một đảng thiểu số. Các ứng cử viên LDP phải phụ thuộc vào sự ủng hộ của Komeito để được bầu vào các khu vực bầu cử chỉ có một ghế đại diện. Ngược lại, nếu không có sự kêu gọi của các ứng viên LDP thì rất khó cho các ứng viên bên Komeito nhận được sự ủng hộ trong các khu vực bầu cử đại diện theo tỉ lệ.
Tuy nhiên, vào hôm 15-4 vừa qua, một sự kiện chấn động, cho thấy mối quan hệ đang dần rạn nứt giữa hai đảng đã bùng nổ. Lãnh tụ Komeito Natsuo Yamaguchi đã xông thẳng vào văn phòng của Thủ tướng Abe đề nghị lập tức thay đổi kế hoạch viện trợ kinh tế khẩn cấp của chính phủ trước cơn đại dịch đang hoành hành.
Ông Abe được yêu cầu phải hủy bỏ ngay gói cứu trợ 300.000 yen tiền mặt (tương đương khoảng 70 triệu đồng) cho mỗi hộ gia đình đạt tiêu chuẩn trợ cấp, mà thay vào đó là 100.000 yen cho từng người dân mà không có yêu cầu cụ thể nào về giới hạn mức thu nhập.
Yêu cầu trên của ông Yamaguchi cũng dễ hiểu vì trong bối cảnh thế giới bất an hiện tại, rất khó để một chính phủ quốc gia xác định được chính xác những ngành nghề hay doanh nghiệp nào cần hỗ trợ. Thay vào đó, việc chính phủ chú trọng giúp đỡ từng cá nhân người dân sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Liên minh chính trị giữa LDP và Komeito lung lay vì mâu thuẫn trong chính sách cứu trợ kinh tế trước đại dịch COVID-19. Nguồn: KYODO
Đây là lần hi hữu trong bảy năm cầm quyền của ông Abe khi Komeito, vốn với số ghế ít hơn trong quốc hội Nhật, dám thách thức quyền ra quyết định độc nhất của thủ tướng.
Theo ông Tobias Harris, chuyên gia về Nhật tại Trung tâm tình báo Teneo tại Washington (Mỹ), hành động phản kháng của Komeito cũng phần nào thấy được quyền lực thật chất của đảng này mạnh hơn so với tưởng tượng và sức ảnh hưởng chính trị của ông Abe có vẻ đang yếu dần, dẫn đến việc lộng hành của đảng liên minh cầm quyền.
Trong buổi đối đầu căng thẳng hôm ấy, ông Yamaguchi còn ngụ ý đến khả năng liên minh thống trị giữa LDP và Komeito có thể tan rã khiến ông Abe chưng hửng.
Một nội bộ chính phủ lục đục và thiếu đoàn kết chắc chắn sẽ dẫn đến những phản ứng tiêu cực và sự thất vọng từ phía công chúng. Điều này cũng được thấy rõ qua các số liệu khảo sát công luận trong vòng ba tháng qua được thực hiện bởi hai đơn vị truyền thông lớn của Nhật là hãng thông tấn Kyodo News và đài NHK.
Số người ủng hộ ông Abe cùng nội các chính phủ giảm mạnh 8,3% vào tháng hai, chỉ còn 41% (Kyodo News). Chỉ số này tiếp tục giảm đều qua tháng 3 và nửa đầu tháng 4, chạm mốc 39% (NHK).
Đây là sự sụt giảm uy tín chính trị nặng nhất của Thủ tướng Abe kể từ hai năm trước (2018), khi ông cũng mất tín nhiệm từ nhân dân do vướng phải những vụ lùm xùm chính trị trong quá trình bầu thủ tướng (phi vụ mua bán đất công xây trường học tại tỉnh Osaka, tin đồn ông Abe ưu ái người thân tín mở trường thú y tại tỉnh Ehime, hay vụ bê bối trong chiến tranh Iraq năm 2004-2006 khi ông gửi Lực lượng Phòng vệ trên bộ (GSDF) đến đó để thực hiện sứ mệnh hòa bình…).
Hai cuộc khảo sát trên cũng cho thấy lên tới 82,5% người dân lo lắng trước những tác động tiêu cực của chủng virus Corona mới và chỉ 8% người dân cho rằng phản ứng của chính phủ trước cơn đại dịch là “tốt”.
Với tình trạng số ca nhiễm mới và người chết liên tục gia tăng - tổng cộng gần 14.000 ca nhiễm và hơn 390 người chết (cập nhật đến ngày 29-4) thì không có khả năng dịch bệnh ở Nhật sẽ tạm lắng hay kết thúc ở giai đoạn này.
Trước những rối ren trong nội bộ chính phủ và sự bất bình từ người dân, điều duy nhất mà Thủ tướng Abe có thể làm bây giờ đó là chịu khó nhân nhượng và phối hợp đồng bộ với đảng Komeito trong chính sách cứu trợ kinh tế để tạo ra sức mạnh đoàn kết nhằm đầy lùi đại dịch và khôi phục niềm tin cùng sự kỳ vọng nơi nhân dân.
Đây được xem là thời khắc quyết định trong năm cuối tại vị của ông Abe: Chiến thắng hoặc bị hạ gục bởi COVID-19!
(*) Nguyễn Cao Hùng là trợ lý nghiên cứu tại Viện Hoover, ĐH Stanford (Mỹ) và nghiên cứu viên cộng tác tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), ĐH KHXH&NV TP.HCM, chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại Nhật Bản, quan hệ ngoại giao song phương Việt - Nhật và chiến tranh Việt Nam.