Ngày 30-1 tới đây là thời hạn cuối để Mỹ chính thức ra yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu – Giám đốc Tài chính tập đoàn Huawei mà mình yêu cầu Canada bắt ngày 1-12-2018. Như vậy Mỹ chỉ còn một tuần nữa để cân nhắc và ra quyết định.
Rất nhiều người đang chờ xem quyết định của Mỹ. Sở dĩ thế vì trả lời phỏng vấn Reuters tháng trước Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông có thể can thiệp vụ bà Mạnh nếu chuyện này có lợi cho Mỹ, giúp Mỹ đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Liệu Mỹ sẽ quyết thế nào?
Chưa biết chuyện Mỹ trì hoãn có liên quan gì đến chuyện Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer có lịch gặp nhau tại thủ đô Washington (Mỹ) trong 2 ngày 30 và 31-1 hay không?
Bà Mạnh bị Canada bắt vào đúng ngày ông Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để cố gắng giải quyết cuộc chiến thương mại. Nhà Trắng nói thời điểm này ông Trump chưa hề biết bà Mạnh bị bắt.
Bà Mạnh Vãn Châu đang được tại ngoại tại Vancouver (Canada). Ảnh: SCMP
Theo các chuyên gia luật pháp Canada, chuyện đã hơn 50 ngày mà Mỹ chưa chính thức yêu cầu dẫn độ không phải là lạ, và hầu hết chuyên gia đều tin tưởng Mỹ sẽ gửi yêu cầu.
Đây cũng là nhận định của Đại sứ Canada tại Mỹ David MacNaughton với tờ The Globe and Mail ngày 21-1. Theo ông MacNaughton, Mỹ đã đánh tiếng với Canada rằng sẽ yêu cầu dẫn độ của Mạnh, nhưng không nói khi nào sẽ chính thức gửi yêu cầu.
Bà Mạnh bị Canada bắt theo hiệp ước dẫn độ với Mỹ vì các cáo buộc lừa đảo ngân hàng và vi phạm trừng phạt của Mỹ với Iran. Bà Mạnh hiện vẫn được tại ngoại nhờ bảo lãnh ở TP Vancouver (Canada).
Sau khi bị bắt bà Mạnh từng ra tòa 3 lần ở Vancouver xem xét chuyện cho bà đóng bảo lãnh tại ngoại.
Trường hợp nhận yêu cầu dẫn độ chính thức của Mỹ, Bộ Tư pháp Canada có 30 ngày để xem xét, quyết định có thực hiện theo yêu cầu này hay không.
Theo lịch dự kiến mà SCMP thu thập được thì bà Mạnh sẽ ra tòa lần tới đây vào ngày 6-2, nhằm xác định ngày mở phiên xem xét đề nghị dẫn độ bà sang Mỹ, nếu Mỹ có yêu cầu.
Cửa tự do của bà Mạnh khá rộng
Sau khi các tòa án Canada ra phán quyết chấp nhận yêu cầu dẫn độ, người ra quyết định cuối cùng sẽ là Bộ trưởng Tư Pháp Canada David Lametti. Bà Mạnh có quyền kháng cáo nếu thấy Bộ trưởng Lametti ra quyết định không hợp lý.
Nếu quá thời hạn 30-1 mà Mỹ không chính thức ra yêu cầu, bà Mạnh sẽ được trả tự do theo Luật Dẫn độ của Canada.
Bộ Tư pháp bắt đầu điều tra hình sự các giao dịch của bà Huawei với Iran từ tháng 4-2018, và lệnh bắt bà Mạnh được một tòa án New York đưa ra ngày 22-8-2018, theo Wall Street Journal.
Phía Trung Quốc phản đối mạnh chuyện Canada bắt bà Mạnh và tuyên bố rằng tìm tự do cho bà Mạnh là một ưu tiên chính trị của mình.
Công dân Canada Robert Schellenberg bị tuyên án tử hình trong phiên phúc thẩm ngày 14-1, dù án sơ thẩm là 15 năm. Ảnh: REUTERS
Sau khi bà Mạnh bị bắt đã có nhiều công dân Canada bị phía Trung Quốc bắt giữ. Trung Quốc nói rằng các vụ bắt bớ này không liên quan đến chuyện Canada bắt bà Mạnh, tuy nhiên nhiều nhà quan sát cho rằng đây là sự trả đũa của Trung Quốc.
Công dân Canada Robert Schellenberg ngày 14-1 bị một tòa án phúc thẩm ở Trung Quốc tuyên án tử hình vì tội buôn lậu ma túy. Đáng nói trong phiên sơ thẩm tháng 11-2018 ông Schellenberg chỉ bị tuyên án 15 năm tù giam.
Trước đó, ngày 10-12-2018 nhà cựu ngoại giao Canada Michael Kovrig và doanh nhân Canada Michael Spavor bị bắt tại Trung Quốc cáo buộc làm hại an ninh quốc gia nước này. Cả hai vẫn còn bị giam. SCMP ngày 21-1 đưa tin 116 học giả và 27 nhà cựu ngoại giao từ 19 nước đã cùng ký vào một bức thư kêu gọi ông Tập Cận Bình trả tự do cho hai ông Michael Kovrig và Michael Spavor.