Đài BBC dẫn phát ngôn từ Hội đồng Quyền con người Liên Hợp Quốc (UNHRC) cho biết ngày 28-2 đã trở thành ngày đẫm máu nhất của làn sóng biểu tình phản đối chính quyền quân sự ở Myanmar, khi ít nhất 18 người tham gia bị cảnh sát bắn chết.
Những trường hợp tử vong được báo cáo ở một số thành phố (Yangon, Dawei và Mandalay) khi cảnh sát triển khai vòi rồng, hơi cay, đạn cao su và cả đạn thật với số lượng gấp nhiều lần các đợt trước để giải tán đám đông. Các vụ bắn chỉ thiên cảnh cáo cũng xuất hiện nhiều hơn.
Một người biểu tình bị thương được điều trị trong xe cứu thương ở thị trấn Hledan của TP Yangon. Ảnh: BBC
Lực lượng cảnh sát đã có mặt và nổ súng ở các khu vực khác nhau của Yangon, sau khi ném lựu đạn choáng và xịt hơi cay vào dòng người biểu tình.
Một đoạn video được tung lên trên mạng xã hội hôm 28-2 cho thấy những người biểu tình bỏ chạy khi cảnh sát tấn công họ, rào chắn tạm thời được dựng lên và một số người bị dẫn đi trong tình trạng đầy máu.
Một số người bị thương đã được những người biểu tình kéo đi, để lại những vệt máu kéo dài trên vỉa hè. Một người đàn ông đã chết sau khi được đưa đến bệnh viện với một viên đạn bắn vào ngực, một bác sĩ yêu cầu giấu tên tiết lộ.
Theo hãng tin AFP, có ba người đàn ông đã bị bắn chết ở phía nam TP Dawei, hai thiếu niên khác cũng bị cảnh sát bắn tử vong ở thị trấn Bago, ngoài ra, một người thứ sáu đã chết ở TP Yangon.
Người biểu tình ở Yangon trong làn hơi cay do cảnh sát triển khai. Ảnh: AFP
Những người thiệt mạng ở Yangon bao gồm một giáo viên tên Tin New Yee, người đã chết sau khi cảnh sát ập vào giải tán cuộc biểu tình bằng lựu đạn gây choáng, khiến đám đông bỏ chạy.
Cảnh sát còn ném lựu đạn choáng bên ngoài một trường y ở Yangon, khiến các bác sĩ và sinh viên trong phòng thí nghiệm chạy tán loạn. Một nguồn tin cho biết hơn 50 nhân viên y tế đã bị bắt giữ.
Lực lượng cảnh sát triển khai vòi rồng, hơi cay, đạn cao su và cả đạn thật với số lượng gấp nhiều lần các đợt trước để giải tán đám đông. Ảnh: REUTERS
Một tình nguyện viên tham gia biểu tình tiết lộ khi anh đến con đường Hledan ở Yangon, một chiếc xe cấp cứu đã vượt qua anh.
“Tôi nghe nói một người đã bị bắn. Tôi chạy đến địa điểm ấy và khi đến, các tình nguyện viên đã đưa người này lên xe cứu thương” - tình nguyện viên này chia sẻ.
“Tôi thấy máu xuất hiện đầy trên đường và một chiếc khiên tự chế bên cạnh. Viên đạn đã bắn xuyên qua tấm chắn” - người này nói thêm.
Theo đó, chỉ vài phút sau, nhiều người biểu tình khác đã chiếm được con đường, phong tỏa khu vực bằng khiên và sẵn sàng đối đầu với cảnh sát dù họ sử dụng đạn thật, BBC đưa tin.
“Nhiều người khác đến, ngồi xuống đường và tụng kinh. Có rất nhiều người tôi không thể nhìn thấy phía sau của đám đông. Hai người đã bị bắn chết tại đây và một người bị thương nặng. Nhưng mọi người vẫn không rút lui” - người nay cho hay.
Người biểu tình đội nón bảo hiểm và đeo kính bảo hộ đối đầu với lực lượng cảnh sát. Ảnh: BBC
Ngoài ra, hãng tin Myanmar Now cho hay hai người khác đã thiệt mạng trong một cuộc biểu tình ở thành phố Mandalay. Sau đó, lực lượng cảnh sát nổ súng thêm một lần nữa khiến một phụ nữ tử vong.
"Đội ngũ y tế đã kiểm tra cô ấy và xác nhận rằng cô ấy không qua khỏi. Cô ấy đã bị bắn vào đầu" - một người biểu tình nói.
Hiện phía cảnh sát Myanmar và đại diện chính quyền quân sự vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nao vệ vụ việc này.
Sinh viên tuần hành trong một cuộc biểu tình ở Yangon, Myanmar, hôm 28-2. Ảnh: AP
Biện pháp đối phó của cảnh sát đã được mở rộng khi các nhà lãnh đạo quân sự tìm cách dập tắt cuộc biểu tình chưa có dấu hiệu kết thúc này.
Hành động đối phó của lực lượng cảnh sát Myanmar bắt đầu có màu sắc bạo lực từ ngày 27-2, sau nhiều tuần biểu tình diễn ra khắp cả nước để phản đối chính quyền quân sự.
Người biểu tình ở TP Mandalay xuống đường yêu cầu thả bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: BBC
Các lãnh đạo quân sự nước này đã thực hiện chính biến, lật đổ chính phủ dân sự từ ngày 1-2. Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi bị quản thúc tại gia và bị cáo buộc bà vi phạm luật xuất nhập khẩu khi sở hữu máy bộ đàm bất hợp pháp, và vi phạm Luật Thiên tai của Myanmar.
Người biểu tình yêu cầu chấm dứt sự cầm quyền của quân đội và muốn bà Suu Kyi và các thành viên cấp cao đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà được trả tự do, theo BBC.