Đài truyền hình Al-Arabiya (Dubai) cho hay ít nhất 200 xe quân sự của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, gồm xe bọc thép và xe tăng, đã băng qua biên giới tiến vào Syria hôm 2-2.
Một đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ gồm xe bọc thép, xe tăng tiến vào thị trấn Dana thuộc tỉnh Idlib, tây bắc Syria. Ảnh: AFP
Theo Al-Arabiya, đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai tới Syria từ sáng 2-2 và hướng về các tỉnh Idlib và Aleppo. Bộ Tư lệnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được cho đã tuyên bố một khu vực xung quanh đường cao tốc nối tỉnh Aleppo với tỉnh Latakia là khu vực hoạt động chiến đấu.
Tờ Asharq Al-Aswat (Anh) đưa tin vài giờ trước đó rằng ít nhất 40 xe bọc thép và xe tăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt biên giới thông qua chốt kiểm soát Kafr Lusein ở phía bắc tỉnh Idlib.
Ngày 28-1, một đoàn xe quân sự khác gồm 30 chiếc đã tiến vào Syria cũng thông qua chốt kiểm soát trên. Theo đài Al Arabiya, đoàn xe đã tiến về các khu vực phía nam của tỉnh Idlib.
Thổ Nhĩ Kỳ - Syria có nguy cơ giao tranh lớn
Đài Al Mayadeen (Lebanon) trước đó cho hay quân chính phủ Syria đã bao vây một trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Maar Hattat nằm ở phía nam của huyện Maarret al-Nuuman, tỉnh Idlib. Đây là địa bàn hoạt động của nhóm khủng bố Jabhat al-Nusra. Một trạm quan sát khác của Thổ Nhĩ Kỳ ở Sarman cũng thuộc tỉnh Idlib đã bị phong tỏa hôm 23-12-2019.
Những thông tin trên xuất hiện sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuần trước cáo buộc chính phủ Damascus vi phạm lệnh ngừng bắn trong khu vực. Ông Erdogan đồng thời cảnh báo Ankara có thể phát động một cuộc tấn công quân sự nếu chiến dịch đánh Idlib của quân chính phủ Syria không “nhanh chóng dừng lại”.
Chính phủ Syria mở chiến dịch quân sự mới ở Idlib hôm 19-12-2019 và đã chiếm được một số khu vực thuộc Idlib trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực hôm 12-1.
Binh sĩ quân đội Syria được nhìn thấy sau khi giải phóng thị trấn Jaranjaz, tỉnh Idlib, Syria khỏi các phiến quân. Ảnh: SPUTNIK
Tuy nhiên, những kẻ khủng bố tiếp tục các cuộc tấn công, giết chết ít nhất 40 binh sĩ Syria và làm bị thương 80 người khác hồi tuần trước. Điều này khiến Damascus nối lại cuộc tấn công.
Phần lớn khu vực giảm căng thẳng Idlib, được lập ra cùng với ba vùng an toàn khác theo một thỏa thuận đạt được tại cuộc hòa đàm Astana tháng 5-2017, vẫn do tổ chức khủng bố Hayat Tahrir al-Sham kiểm soát.
“Dân thường nên được bảo vệ”
Theo Liên Hiệp Quốc, được các tiêm kích Nga yểm trợ, quân đội Syria gần đây đạt được nhiều thành tựu lớn ở tỉnh Idlib. Tuy nhiên, giao tranh làm hàng trăm dân thường phải kéo về biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ tìm nơi lánh nạn.
Liên Hiệp Quốc hôm 29-1 cho hay khoảng 390.000 người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, đã rời bỏ nhà cửa ở tây bắc Syria kể từ ngày 1-12-2019.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện tiếp nhận 3,6 triệu người tị nạn Syria và lo ngại một làn sóng tị nạn mới.
“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm những gì cần thiết về mặt ngoại giao và quân sự nhằm ngăn một thảm họa nhân đạo ở Idlib và giữ khu vực ổn định. Ankara sẽ không ngần ngại can thiệp nếu cuộc tấn công của chính phủ Syria biến thành thảm họa” - ông Ahmet Berat Conkar, thành viên của Ủy ban đối ngoại thuộc quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ nói với kênh Al Jazeera.
“Chúng tôi cần bảo vệ biên giới của mình trước bất kỳ mối đe dọa nào, đặc biệt là chủ nghĩa khủng bố và kiểm soát điều đó nếu một làn sóng người tị nạn xuất phát từ cuộc các cuộc tấn công tiếp diễn ở Idlib” - ông Conkar nói tiếp.
Có khoảng 3 triệu người sinh sống tại tỉnh Idlib với một nửa trong số đó là những người chuyển tới từ các khu vực khác ở Syria do lực lượng chính phủ kiểm soát.
Damascus và Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Idlib nhằm đánh bật những kẻ khủng bố khỏi khu vực, theo thỏa thuận giảm căng thẳng đạt được giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018.
Nhóm vũ trang Hay'et Tahrir al-Sham, trước đây là một nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda, bị Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xem là tổ chức khủng bố. Nhóm này hiện kiểm soát phần lớn khu vực Idlib.
Hàng triệu người Syria buộc di tản và kéo tới biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ lánh nạn. Ảnh: DW
Ông Conkar cho biết Ankara không phản đối các chiến dịch chống khủng bố, song nhấn mạnh người dân thường không nên bị tổn hại.
“Quan điểm của chúng tôi trong cuộc chiến chống khủng bố đòi hỏi phải bảo vệ dân thường. Tuy nhiên, đây không phải là những gì đang diễn ra trong cuộc tấn công của chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn ở Idlib. Đây là điểm chính của xung đột” - ông Conkar nhấn mạnh.
“Tôi tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga nên phối hợp hành động chống lại các phần tử khủng bố ở Idlib và làm việc chặt chẽ hơn để phân biệt dân thường và khủng bố trong khu vực. Sự hợp tác và niềm tin giữa hai quốc gia dường như chưa ở mức đó nhưng hy vọng sẽ đạt được trong tương lai” - ông Conkar nói thêm.