Ai là ứng viên đại sứ mới mà Mỹ, TQ sẽ cử tới nước còn lại?

Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ sớm cử đại sứ mới tới nước còn lại vì Nhà Trắng được cho là đã quyết định đề cử một nhà ngoại giao chuyên nghiệp cho vị trí Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, trong khi Đại sứ Trung Quốc tại Washington sẽ sớm về hưu.

Mỹ: Đề cử đại sứ nhiều khả năng là 1 cựu Thứ trưởng Ngoại giao

Một nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin AP hôm 27-5 rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ sớm đề cử ông Nicholas Burns - một nhà ngoại giao dày dặn kinh nghiệm - cho vị trí Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh.

Thông tin này đã xuất hiện trên trang tin Axios từ giữa tháng trước, song Nhà Trắng chưa chính thức công bố đề cử. 

Ông Nicholas Burns, người được cho là sẽ được đề cử vào vị trí Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh. Ảnh: SCMP

Vị trí Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh đã bị bỏ trống từ tháng 10-2020, khi Đại sứ Terry Branstad từ chức để về nước hỗ trợ chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Donald Trump. Kể từ đó, ông Robert Forden được bổ nhiệm làm Đại biện lâm thời, tạm thời đứng đầu phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc.

Ông Burns đã rời khỏi ngành ngoại giao vào năm 2008, sau khi từ chức Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách các vấn đề chính trị. Trước đó, ông Burns từng trải qua hai nhiệm kỳ đại sứ, tại Hy Lạp (giai đoạn 1997-2001) và tại Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO (giai đoạn 2001-2005), và từng là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ trong giai đoạn 1995-1997.

Hiện nay, ông Burns là giáo sư tại trường Harvard Kennedy - trường đào tạo sau đại học các chuyên ngành chính sách và hành chính công thuộc Đại học Harvard (Mỹ). Cựu nhân viên ngoại giao này cũng là giám đốc điều hành Nhóm Chiến lược Aspen và Diễn đàn An ninh Aspen (đều thuộc Viện Aspen - một tổ chức nghiên cứu chính sách tại Mỹ).

Ông Burns cũng là một trong các cố vấn chính sách đối ngoại trong chiến dịch tranh cử năm 2020 của ông Biden.

Trung Quốc: Ứng viên đại sứ đã có kinh nghiệm ngoại giao 30 năm

Đại sứ đương nhiệm của Trung Quốc tại Washington, ông Thôi Thiên Khải đã bước sang tuổi 68 - độ tuổi phải nghỉ hưu theo quy định mới của chính quyền Bắc Kinh, theo tạp chí The Diplomat.

Ông Thôi là một nhà ngoại giao kỳ cựu của Trung Quốc và là người trẻ nhất được giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (tính tại thời điểm được bổ nhiệm hồi năm 2009). Năm 2013, ông Thôi được bổ nhiệm làm đại sứ tại Washington và là nhà ngoại giao Trung Quốc giữ vai trò này trong thời gian dài nhất. 

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương - người nhiều khả năng sẽ trở thành tân Đại sứ Trung Quốc tại Washington. Ảnh: SCMP

Người được dự đoán sẽ kế nhiệm ông Thôi tại Mỹ là Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương. Ông Tần đã bắt đầu làm việc trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ năm 1988, khi chỉ mới 22 tuổi. Trong 30 năm qua, ông Tần có kinh nghiệm về thông tin đối ngoại và ba lần làm việc tại Đại sứ quán Trung Quốc ở London (Anh) nhưng chưa từng được giữ chức đại sứ.

Ông Tần được cho là một nhà ngoại giao có quan điểm dân tộc chủ nghĩa, thẳng thắn và gay gắt chỉ trích các quốc gia và cá nhân bị coi là bôi nhọ Trung Quốc, nhất là các vấn đề liên quan tới ngoại giao “chiến lang”.

Dù đều là các nhà ngoại giao lâu năm và từng làm việc tại các phái đoàn ngoại giao ở nước ngoài, cả ông Burns và ông Tần đều bị cho là thiếu một phần kinh nghiệm quan trọng: ông Burns chưa có kinh nghiệm về Trung Quốc và ông Tần cũng chưa giữ chức vụ chủ chốt nào trong quan hệ Trung-Mỹ.

Giống như trường hợp của phía Mỹ, Bắc Kinh cũng chưa xác nhận việc bổ nhiệm ông Tần làm tân đại sứ và không rõ khi nào quyết định bổ nhiệm sẽ được công bố.

Hai trưởng phái đoàn ngoại giao mới sẽ có nhiệm vụ đại diện cho quan điểm cứng rắn của nhà nước mình nhưng cũng phải tìm cách hàn gắn và xây dựng cầu nối để làm mới quan hệ Mỹ-Trung theo hướng tích cực hơn. The Diplomat đánh giá đây là nhiệm vụ “không dễ dàng” khi mà căng thẳng đang dâng cao và hai nước nhìn nhau bằng ánh mắt “hận thù và thiếu tin tưởng”.

Bất chấp sự chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng hồi đầu năm nay, quan hệ Mỹ-Trung vẫn chưa được cải thiện. Chính quyền mới tại Mỹ liên tục phản đối Trung Quốc về các vấn đề Tân Cương, Đài Loan, Hong Kong, Biển Đông… và về nguồn gốc đại dịch COVID-19. Bắc Kinh thì chỉ trích Washington can thiệp vào nội trị ở các nước khác. 

 

AP còn cho biết Tổng thống Mỹ Biden có vẻ đã chọn một số ứng viên khác để đề cử vào vị trí người đứng đầu các phái đoàn ngoại giao Mỹ ở nhiều nước.

Thị trưởng TP Los Angeles, ông Eric Garcetti được cho là sẽ trở thành ứng viên Đại sứ Mỹ tại New Delhi (Ấn Độ). Đề cử Đại sứ Mỹ tại Tokyo (Nhật) nhiều khả năng là cựu Thị trưởng TP Chicago - kiêm Chánh văn phòng Nhà Trắng trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, ông Rahm Emanuel.

Ông Thomas Nides, cấp phó của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (giai đoạn 2011-2013), được coi là ứng viên thích hợp nhất cho vị trí lãnh đạo phái đoàn ngoại giao Mỹ ở Israel.

Sau khi Nhà Trắng công bố đề cử chính thức, các ứng viên đại sứ Mỹ phải được thượng viện nước này phê chuẩn.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm