Ăn chia 60/40 kiểu Trung Quốc ở biển Đông: Bộ ba bất khả thi

“Tôi nghĩ rằng hợp đồng (khai thác chung giữa TQ và Philippines - PV) phải tuân thủ Hiến pháp Philippines và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Bên cạnh đó, vì TQ cũng là bên liên quan nên bản hợp đồng cũng cần phải phù hợp với Hiến pháp TQ” - tờ Inquirer dẫn lời Đại sứ Philippines Chito Sta Romana nói với báo chí tại Bắc Kinh.

Tuyên bố này của Đại sứ Sta. Romana được đưa ra vài giờ trước khi ông Duterte gặp người đồng cấp Tập Cận Bình. Cả hai dự kiến sẽ thảo luận về việc khai thác chung dầu khí và các vấn đề hàng hải khác liên quan giữa hai quốc gia. Đại sứ Sta. Romana còn tiết lộ cả TQ và Philippines đã làm việc cùng với nhau trong nhiều tháng liền, kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Philippines vào tháng 11 năm ngoái. Khi đó, hai nước đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về khai thác dầu khí chung tại vùng biển được mô tả nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

Dù Philippines hiện rất lạc quan trong việc “ăn chia” với TQ nhưng thỏa thuận khai thác chung Manila - Bắc Kinh đang gặp phải “bộ ba bất khả thi”. Theo đó, thỏa thuận hai nước phải đảm bảo ba điều kiện: (i) Hợp pháp Philippines, (ii) Hợp pháp TQ, và (iii) Phù hợp với UNCLOS.

Thứ nhất, việc đề xuất khai thác chung trong vùng EEZ của Philippines là không thể hợp hiến nước này. Philippines có thể kêu gọi doanh nghiệp TQ hợp tác khai thác ở EEZ nước này theo các mô hình hợp pháp với điều kiện tiên quyết TQ phải thừa nhận vùng biển đó thuộc chủ quyền Philippines. Về chuyện này, chính ông Sta. Romana cũng không thể trả lời.

Thứ hai, TQ ngay trước chuyến thăm của ông Duterte đến Bắc Kinh đã nhiều lần nhấn mạnh TQ sẽ không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài 2016. Điều đó cho thấy kỳ vọng TQ tuân theo UNCLOS trong “làm ăn” với Philippines là bất khả thi.

Cuối cùng, việc tiến hành một thỏa thuận tuân theo luật pháp TQ sẽ để lại một viễn cảnh xấu: TQ tiếp tục duy trì cái gọi là “quyền lịch sử”, “đường chín đoạn”. Luật pháp TQ đã đưa các khái niệm vừa mơ hồ vừa bất hợp pháp này trở thành những cơ sở lý luận để theo đuổi mục tiêu biến biển Đông thành “ao nhà”. Vì vậy, chưa cần tham chiếu luật pháp Philippines, một thỏa thuận tuân theo lập trường pháp lý của TQ lâu nay chắc chắn trái lại UNCLOS.

Biển Đông là nơi TQ muốn biến của nước khác thành của mình. Vậy nên, ăn chia 60/40 với TQ theo kiểu “hợp pháp Philippines, TQ và phù hợp UNCLOS” vốn là bộ ba bất khả thi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm