Biển Đông: Philippines nói về ý định chia 60-40 với Trung Quốc

Tờ Inquirer dẫn lời điện Malacañang hôm 11-8 cho biết việc Philippines “cho phép” Trung Quốc hiện diện ở vùng biển của Philippines cho thấy Philippines là “chủ sở hữu” của khu vực này.

“Chỉ hành động này thôi đã cho thấy chúng tôi là chủ sở hữu, vì chúng tôi đang cho phép. Nếu chúng tôi không phải là chủ sở hữu, làm thế nào chúng tôi cho phép được?” - người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo nói trong một cuộc phỏng vấn với Inquirer.

Tuần trước, Tổng thống Duterte cho biết ông sẽ thúc đẩy hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng này. Manila có thể chấp nhận ăn chia 60-40 với Bắc Kinh. Philippines đã ký 29 thỏa thuận song phương với Trung Quốc, bao gồm cả việc thăm dò dầu khí, trong chuyến thăm của ông Tập đến Manila năm 2018.

Về đề xuất của Trung Quốc về việc chia sẻ tài nguyên 60-40 ở biển Tây Philippines, ông Panelo cho rằng điều này có thể được sử dụng như một “đòn bẩy thương lượng”.

“Rõ ràng là hai nước đều không lùi bước, vì vậy điều tốt nhất là đồng ý sử dụng tài sản đó có lợi cho cả hai bên” - ông Panelo nói.

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo. Ảnh: Inquirer

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Philippines vào tháng 11-2018, hai bên đã ký bản ghi nhớ khai thác dầu khí chung ở khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Philippines đã chỉ trích việc hợp tác khai thác với Trung Quốc, nhất là trong EEZ vốn là của riêng Philippines.

Năm ngoái, thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio từng cảnh báo rằng khái niệm "gạt bỏ tranh chấp và theo đuổi sự phát triển chung mà Trung Quốc đưa ra" thực chất là "một cái bẫy". Bởi vì theo chính phủ Trung Quốc, yếu tố đầu tiên trong sự phát triển chung là "chủ quyền các vùng lãnh thổ liên quan đều thuộc về Trung Quốc".

Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa hôm 9-8 đã khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục không chấp nhận và phản đối phán quyết biển Đông 2016.

"Chúng tôi đã làm rõ là chúng tôi sẽ không chấp nhận (phán quyết của Tòa trọng tài) và quyết định này vẫn giữ nguyên. Lập trường của chúng tôi sẽ không thay đổi và bản thân chúng tôi cũng sẽ không thay đổi" - Đại sứ Triệu khẳng định.

Tuy nhiên, ông Triệu trấn an Philippines: "Có một thứ mà tôi muốn đảm bảo với chính quyền và người dân Philippines, đó là chúng tôi quyết tâm tìm kiếm giải pháp hòa bình cuối cùng cho tất cả bất đồng giữa hai nước. Chúng tôi không tìm kiếm xung đột, không tìm kiếm rắc rối. Điều đó hoàn toàn chắc chắn".

Về tuyên bố của Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa tái khẳng định sự phủ nhận phán quyết trọng tài năm 2016 của Trung Quốc, ông Panelo nói: “Trung Quốc có quyền không thay đổi quan điểm, tương tự, chúng tôi cũng có quyền giữ vững quan điểm của mình. Nhưng điều đó sẽ không ngăn cản tổng thống nêu ra vấn đề về phán quyết của Tòa trọng tài”.

Cũng trong ngày 11-8, nhóm ngư dân Pambansang Lakas ng Kilusang Mamamalakaya ng Pilipinas (Pamalakaya) đã đưa ra một tuyên bố chỉ trích đề xuất của Trung Quốc về biển Đông.

“Về mặt pháp lý, cho phép Trung Quốc khai thác tài nguyên của chúng ta đồng nghĩa với việc vi phạm quyền tự quyết của chúng ta và quyền sử dụng tài nguyên của quốc gia để phát triển” - ông Fernando Hicap, Chủ tịch của Pamalakaya, nói.

Những phát ngôn trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Rodrigo Duterte sắp có chuyến thăm chính thức lần thứ hai trong năm đến Bắc Kinh.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm