Hãy mua vũ khí Mỹ, đừng mua vũ khí Trung Quốc chất lượng kém, không chỉ không giết được kẻ thù mà còn có rủi ro hại đến binh lính của mình, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nhắn nhủ các khách hàng mua vũ khí ngày 31-10.
“Chọn Mỹ như là một đối tác an ninh vẫn là lựa chọn tốt nhất với các quốc gia khắp thế giới” - ông R. Clarke Cooper, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị và quân sự, nói với các đại sứ và tùy viên quân sự các nước tại cuộc gặp trong khuôn khổ tổ chức ngoại giao Meridian International Center.
Theo số liệu từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Mỹ là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất toàn cầu thời gian 2014-2018. Kế đến là Nga, Pháp, Đức, và Trung Quốc. Trong thời gian đó, doanh số bán vũ khí của Mỹ tăng 29%, so với mức tăng 2,7% của Trung Quốc.
Mỹ hiện tại cung cấp 36% cho xuất khẩu vũ khí toàn cầu, so với 21% của Nga, và 5,2% của Trung Quốc. Khách hàng lớn nhất của Mỹ là Saudi Arabia, khách hàng lớn nhất của Nga là Ấn Độ, còn khách hàng lớn nhất của Trung Quốc là Pakistan.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đặc biệt quan tâm chuyện cường tăng bán vũ khí. Thậm chí sau khi xảy ra sự việc nhà báo Jamal Khashoggi làm việc cho tờ The Washington Post bị sát hại tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) một năm trước mà Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia bị nghi có liên quan, ông Trump vẫn không đồng ý phong tỏa bán vũ khí cho Saudi Arabia.
Saudi Arabia - thị trường mua vũ khí lớn nhất của Mỹ - là điểm đến đầu tiên của ông Donald Trump sau khi nhậm chức tổng thống Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES
Xuất khẩu vũ khí của Mỹ trong năm tài khóa 2018 đạt 55,6 tỉ USD, tăng tới 33% so với năm tài khóa 2017, theo số liệu từ Bộ Quốc phòng Mỹ.
Tuy nhiên, theo ông Cooper, thị trường vũ khí đang bị Trung Quốc tích cực cạnh tranh với các loại vũ khí giá rẻ và thậm chí cả dùng đến các chiêu bài hối lộ.
“Trung Quốc sử dụng chuyện bán vũ khí như một phương tiện để đặt bàn chân lên cánh cửa mà một khi được mở Trung Quốc sẽ nhanh chóng khuếch trương ảnh hưởng và thu thập thông tin tình báo” - ông Cooper nhận định.
Ông Cooper nhắc đến một số trường hợp đã phải trả giá đắt cho việc chọn mua vũ khí Trung Quốc thay vì mua vũ khí Mỹ.
Thời điểm Kenya cân nhắc mua xe bọc thép Norinco VN-4, các đại diện của Trung Quốc đã từ chối ngồi trong những chiếc xe này trong một phiên lái thử nghiệm, ông Cooper nói.
Tuy nhiên, Kenya vẫn thực hiện thương vụ này vào năm 2016 và hậu quả là “hàng chục quân nhân Kenya đã thiệt mạng trong những chiếc xe này”, theo lời ông Cooper. Những chiếc Norinco VN-4 được biết đến với tên gọi “Tê giác” được Công ty Chongqing Tiema Industries của Trung Quốc sản xuất.
Máy bay không người lái CH-4 của Trung Quốc. Ảnh: CHINA DEFENCE FORUM
Ông Cooper dẫn lại một câu trong một bài xã luận trên The Standard của Kenya: “Đáng buồn rằng thậm chí sau những cái chết này, các quân nhân của chúng ta vẫn tiếp tục tuần tra biên giới trên những chiếc xe tải nhỏ và những chiếc xe bọc thép đáng xấu hổ do Trung Quốc sản xuất, bất kể nguy hiểm bất cứ lúc nào…”.
Ông Cooper cũng nhắc đến việc huấn luyện và các dịch vụ bảo dưỡng sau mua. Các nước mua vũ khí Mỹ có thể gửi người đến Mỹ để được huấn luyện với chất lượng như Mỹ huấn luyện cho chính người của mình.
“Ở Trung Quốc thì không như thế” - ông Cooper nói. Theo ông Cooper, một khi mua vũ khí Trung Quốc, đại diện quân sự của các nước có thể không được hưởng chất lượng huấn luyện tốt như với người bản xứ, mà tệ hơn.
Hệ thống phòng không Patriot của Mỹ được triển khai ở Hàn Quốc. Ảnh: AFP
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ từ chối bình luận về phát ngôn của ông Cooper.
Một đại sứ của một nước châu Á đề nghị không nêu tên nhận xét phát ngôn của ông Cooper là “rất bình thường” theo quan điểm của Mỹ.
“Họ xem Trung Quốc như một sức mạnh và là một nhà cạnh tranh đang lên. Điều đó rất bình thường. Nhưng chúng tôi có nhận định riêng dựa vào kinh nghiệm của riêng mình” - vị đại sứ này nói.