Bộ tứ Normandy thống nhất bầu cử cho đông Ukraine tự trị

Bốn lãnh đạo Bộ tứ Normandy - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy - tối 9-12 đã có cuộc họp báo chung tại thủ đô Paris (Pháp) sau hội nghị cùng ngày bàn về chuyển tiếp hòa bình ở đông Ukraine.

Bốn lãnh đạo đã thông qua một tuyên bố chung, thống nhất “các biện pháp lập tức nhằm ổn định tình hình tại vùng xung đột ở đông Ukraine”.

Các lãnh đạo Bộ tứ Normandy – Pháp, Đức, Nga, Ukraine tại Paris (Pháp) ngày 9-12. Ảnh: REUTERS

Các lãnh đạo Bộ tứ Normandy - Pháp, Đức, Nga, Ukraine tại Paris (Pháp) ngày 9-12. Ảnh: REUTERS

Trong số những biện pháp mới này có nội dung thả các tù nhân ở cả hai bên (chính phủ Ukraine và phe đòi ly khai ở miền Đông - PV) vào cuối năm nay. Ngoài ra còn có các nội dung: lập ba vùng đệm mới - không liên quan đến cuộc xung đột; lập các hành lang cho phép dân thường di chuyển qua các tuyến kiểm soát ngăn cách các vùng Donestsk, Lugansk ở miền Đông và phần còn lại của Ukraine.

“Chúng ta cần đảm bảo sẽ không còn có những hàng người xếp hàng hằng giờ dài, để hàng ngàn người dân bình thường sống trong khu vực có thể dễ dàng đi lại. Không được bỏ quên những người dân bình thường ở đó. Mọi sự dàn xếp của chúng ta cần nhằm cải thiện cuộc sống của họ và không phải vào lúc nào đó trong tương lai, mà là bây giờ” - Tổng thống Nga Putin nói tại cuộc họp báo.

Bộ tứ Normandy cũng thống nhất thực hiện “Công thức Steinmeier” vào luật pháp Ukraine. Mang tên cựu Ngoại trưởng Đức, “Công thức Steinmeier” kêu gọi tổ chức bầu cử ở các vùng Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine theo hướng trao quyền tự trị cho các vùng này. Ukraine, Nga, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã đồng ý về nguyên tắc công thức này từ tháng 10.

Đến với hội nghị tại Paris, Tổng thống Ukraine Zelenskiy có chủ trương rằng các cuộc bầu cử này sẽ chỉ được tổ chức theo luật Ukraine và chỉ tổ chức một khi các lực lượng nước ngoài rút hết khỏi Donetsk và Lugansk.

Tuy nhiên, tuyên bố chung của Bộ tứ Normandy không đề cập các điều kiện này của ông Zelenskiy. Dù thế, ông Zelenskiy vẫn tự tin vấn đề này sẽ được giải quyết trong những cuộc gặp tới.

Theo hãng tin Sputnik, phần lớn người Ukraine ủng hộ cách tiếp cận của ông Zelenskiy với ông Putin, tuy nhiên trong nội bộ Ukraine vẫn có một bộ phận dân tộc chủ nghĩa xem việc thực hiện “Công thức Steinmeier” là sự đầu hàng Nga.

“Phần mình, chúng tôi sẵn sàng tuân thủ mọi thỏa thuận nhưng đó là một con đường hai hướng” - Tổng thống Zelenskiy nói tại cuộc họp báo.

Các vùng Donetsk và Lugansk (nhiều khả năng sẽ là các vùng tự trị trong tương lai) có biên giới với Nga. Và tại cuộc họp báo, ông Zelenskiy nói bản thân ông và ông Putin có “các quan điểm hoàn toàn khác nhau” về chuyện chuyển giao kiểm soát biên giới.

“Chúng tôi thực sự có những quan điểm bất đồng. Chúng tôi muốn thỏa thuận Minsk được tuân thủ. Chỉ cần đọc thỏa thuận Minsk nói gì. Tại sao chúng ta cần phải hủy bỏ và viết lại thỏa thuận Minsk?” - Tổng thống Nga Putin nói.

Thỏa thuận Minsk được Bộ tứ Normandy thông qua vào ngày 12-2-2015 với các nội dung: Quân đội Ukraine và phe đối lập sẽ tiến hành ngừng bắn, rút các loại vũ khí hạng nặng, các lực lượng nước ngoài phải rời khỏi Ukraine; phóng thích tù nhân; Donetsk và Lugansk phải tiến hành bầu cử lại; thay đổi Hiến pháp Ukraine theo hướng trao thêm nhiều quyền hơn nữa cho các vùng thuộc miền Đông; khôi phục mọi hoạt động kinh tế tại miền Đông.

Các lãnh đạo Bộ tứ Normandy – Pháp, Đức, Nga, Ukraine gặp nhau tại Paris (Pháp) ngày 9-12. Ảnh: REUTERS

Các lãnh đạo Bộ tứ Normandy - Pháp, Đức, Nga, Ukraine gặp nhau tại Paris (Pháp) ngày 9-12. Ảnh: REUTERS

Hội nghị ngày 9-12 là cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Putin và ông Zelenskiy - tân Tổng thống Ukraine. Trao đổi nhanh với báo chí trước khi ngồi ăn tối với ba lãnh đạo Pháp, Đức, Ukraine, Tổng thống Putin nói ông “hài lòng” với quá trình diễn ra cuộc đối thoại.

Lần gặp cuối cùng của Bộ tứ Normandy là vào năm 2016, với mục đích bàn cách thi hành thỏa thuận Minsk để giải quyết cuộc xung đột ở đông Ukraine. Tuy nhiên, từ sau cuộc gặp đến nay tiến trình không có nhiều thay đổi. Không như người tiền nhiệm - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vốn có quan điểm cứng rắn với Nga, ông Zelenskiy chủ trương hòa giải với Nga.

Các lãnh đạo Bộ tứ Normandy thống nhất sẽ lại gặp nhau sau bốn tháng nữa -một tín hiệu ngạc nhiên so với thời gian ba năm dài kể từ sau cuộc gặp lần trước vào năm 2016.

Ukraine chuẩn bị gì cho Hội nghị 'Bộ tứ Normandy' sắp tới?
Ukraine chuẩn bị gì cho Hội nghị 'Bộ tứ Normandy' sắp tới?
(PLO)- Ukraine vừa tuyên bố công khai bốn vấn đề quan tâm chính của nước này trong Hội nghị thượng đỉnh "Bộ tứ Normandy" - Nga, Ukraine, Đức và Pháp - sẽ diễn ra vào ngày 9-12 ở Paris, tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột ở miền đông nước này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm