Ngày 6-5, Campuchia nới lỏng phong tỏa sau ba tuần hạn chế hầu hết các hoạt động trong cộng đồng để phòng dịch COVID-19, hãng tin Reuters cho hay.
Chính quyền thủ đô Phnom Penh vẫn giữ một số biện pháp hạn chế ở các quận còn tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng, trong khi đường xá tại một số khu vực khác đã đông đúc trở lại.
Campuchia nới lỏng cho các khu vực màu "vàng"
Từ khuya 5-5, các khu vực được đánh dấu "vàng", tức là có nguy cơ thấp, được cho là đã đủ an toàn để người dân ra đường nhưng vẫn duy trì lệnh giới nghiêm từ 8 giờ tối đến 3 giờ sáng hôm sau. Còn các khu vực bị gắn cảnh báo "cam" hoặc "đỏ" có nguy cơ cao hơn, vẫn tiếp tục bị phong tỏa cho tới ngày 12-5.
Phó Thống đốc thủ đô Phnom Penh, ông Mean Chanyada nhấn mạnh yêu cầu "người dân không nên lơ là bởi vì chúng ta (tức TP Phnom Penh) đang sống theo một lối sống mới trong bối cảnh COVID-19".
Một số khu vực báo động "cam" hoặc "đỏ" tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia) vẫn bị phong tỏa. Ảnh: REUTERS
Sau khi tình trạng phong tỏa được nới lỏng, các hoạt động kinh tế cũng được phần nào khôi phục tại Phnom Penh. Tuy nhiên, các nhà máy chỉ được cho tối đa 50% công nhân tới làm việc và phải ưu tiên những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Chính quyền cũng đẩy nhanh việc xét nghiệm và tiêm chủng, nhất là ở Phnom Penh.
Các chuyên gia y tế cảnh báo việc nới lỏng phong tỏa quá sớm có thể gây ra hậu quả khó lường về sức khỏe và sinh mạng người dân. Trong khi đó, người dân lại giận dữ trước những vấn đề trong việc phân phát lương thực, thực phẩm cứu trợ trong thời gian phong tỏa.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia, bà Li Ailan cảnh báo rằng việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 "quá vội vàng và quá sớm" có thể khiến số ca nhiễm tăng nhanh.
Theo thống kê được Bộ Y tế Campuchia công bố trưa 7-5, nước này đã phát hiện tổng cộng 18.179 ca nhiễm COVID-19, trong đó 114 trường hợp không qua khỏi.
Số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từng được ghi nhận tại nước này là 938 (ngày 4-5). Trong ba ngày gần đây, số ca nhiễm mới đã có chiều hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao: ngày 5-5 có 672 ca nhiễm mới, ngày 6-5 có 650 ca và ngày 7-5 có 558 ca.
Nhiều ngày qua, không ít người Campuchia đã phàn nàn về tình trạng mà họ cho là phân phát không công bằng lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân trong phong tỏa.
Tuần trước, tại quận Meanchey của thủ đô Phnom Penh, khoảng 100 người đã biểu tình nhiều ngày vì đã hơn 10 ngày phong tỏa mà họ vẫn chưa nhận được thực phẩm hỗ trợ từ chính quyền.
Một số người khác cũng nói rằng họ đã đăng ký với chính quyền để nhận hàng hóa cứu trợ gồm gạo, mì tôm và cá hộp nhưng vẫn chưa nhận được.
Người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan cho rằng những lời phàn nàn đã bị phóng đại. Ông Phay Siphan cam kết chính quyền sẽ lắng nghe và hỗ trợ bất kỳ ai liên hệ theo các kênh đăng ký cứu trợ.
Kinh tế Campuchia có thể phục hồi trong năm 2021
Ngày 6-5, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) công bố một dự báo mới cho thấy nền kinh tế Campuchia có thể tăng trưởng dương trong năm 2021, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin.
Chuyên gia Seung Hyun Hong, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của AMRO về ba nước Đông Dương, nói rằng "bất chấp những gián đoạn trong hoạt động nội địa do đợt phong tỏa mới đây, nền kinh tế Campuchia được dự báo sẽ tăng trưởng 4% trong năm 2021". Cơ sở cho dự báo này là khả năng phục hồi của ngành sản xuất và sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa của chính quyền Phnom Penh.
Tuy nhiên, ông Hong vẫn khuyến nghị chính phủ Campuchia phải "phản ứng mạnh" trước các diễn biến mới của dịch COVID-19 và "đẩy nhanh việc triển khai tiêm chủng".
Trong năm 2020, quy mô kinh tế Campuchia ước tính đã giảm 3% do tác động từ đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Trong đó, ngành du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại rõ ràng nhất.