Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ngày 22-3 đã bác bỏ nhận định nói rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này sẽ “sụp đổ” vào tháng 4 tới, theo hãng tin Reuters.
Thông tin mà ông Bolsonaro đưa ra đối lập với ý kiến từ Bộ trưởng Y tế Luiz Henrique Mandetta. Trước đó, ông Mandetta cho biết số người chết ở nước này tăng 39% và hơn 1.500 ca nhiễm sẽ khiến hệ thống y tế Brazil quá tải và dễ dàng “sụp đổ” trước cuối tháng 4 tới.
Số liệu mới nhất của Bộ Y tế Brazil cuối ngày 22-3 xác nhận số ca tử vong vì COVID-19 đã tăng 29%, tức từ 18 người lên đến 25 người. Hiện số ca nhiễm bệnh tại quốc gia Nam Mỹ này ở mức là 1.546 người.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro trong cuộc họp báo về đại dịch COVID-19 ngày 22-3 ở thủ đô Brasilia hôm 22-3. Ảnh: REUTERS
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với đài CNN, Tổng thống Bolsonaro bày tỏ thất vọng với một số biện pháp đóng cửa thương mại và hạn chế sự đi lại của người dân. Ông nói rằng Bộ Y tế đã đẩy sự việc “đi quá xa” và gây tổn hại cho nền kinh tế.
“Tôi nghĩ Bộ trưởng Mandetta đã phóng đại” - ông Bolsonaro khẳng định.
Tổng thống Bolsonaro cho rằng nói “sụp đổ” là cách dùng từ sai. “Những gì chúng tôi làm được là kéo giảm sự lây nhiễm. Tôi không tin vào sự sụp đổ” - ông ấy nói.
Trên Twitter, ông Bolsonaro cũng xác nhận chính phủ đang phân phối khoảng 10 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 và một nửa số này đã được phân phát hết trong tháng 3.
Từ ngày 24-3, một lệnh phong tỏa trên toàn bang Sao Paulo, khu vực phát triển và đông dân nhất Brazil sẽ có hiệu lực và kéo dài đến hết ngày 7-4. Các cửa hàng đều được yêu cầu đóng cửa, trừ các doanh nghiệp và dịch vụ thiết yếu.
Một cuộc thăm dò trên tờ nhật báo Folha de Sao Paulo của Brazil cho thấy phần lớn người dân nước này ủng hộ các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn COVID-19, dù có nhiều ý kiến về việc đóng cửa doanh nghiệp.
Cảnh sát kiểm tra giấy tờ của người ra vào TP Guaruja, bang Sao Paulo ngày 22-3. Ảnh: REUTERS
Có đến 82% người được khảo sát đồng ý với yêu cầu đóng cửa các nhà thờ từ Tổng thống Bolsonaro.
Tại một số thành phố lớn, các nhà thờ Tin Lành cũng đã đóng cửa, các tín đồ chuyển sang việc hành lễ bằng hình thức trực tuyến hoặc qua phát thanh.
Đền thờ Solomon với hơn 1.000 chỗ ngồi tại TP Sao Paulo cũng bị đóng cửa trong thời điểm này, thời gian được cho là bận rộn nhất với hàng trăm lượt khách viếng thăm hằng ngày. Nhân viên khu đền thờ nói rằng các hoạt động sẽ đóng cửa trong hai tuần, theo Reuters.