Huawei kiện chính phủ Mỹ vi hiến, yêu cầu bỏ lệnh cấm

Huawei Technologies, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, cho biết hôm 29-5 rằng họ đã đệ trình khiếu nại lên tòa án liên bang Mỹ ở Plano, Texas, để lật ngược lệnh cấm đối với các sản phẩm của họ, cho rằng Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2019 (NDAA) nhắm vào Huawei là bất hợp pháp và vi phạm quy trình pháp lý, báo South China Morning Post đưa tin.

Logo của Huawei tại một cửa hàng tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP.

Hành động này diễn ra gần ba tháng sau khi Huawei đệ đơn kiện chính phủ Mỹ, lập luận rằng lệnh cấm liên bang, được nêu trong Điều 889 của NDAA, do Tổng thống Mỹ Donald Trump ký vào tháng 8 năm ngoái, trong đó yêu cầu các cơ quan liên bang và nhà thầu Mỹ không mua thiết bị và dịch vụ từ Huawei hay hợp tác với bên thứ ba là khách hàng của tập đoàn Trung Quốc.

Công ty cho rằng hành động này là vi hiến vì họ chỉ nhắm vào một người hoặc một nhóm hình phạt mà không hề được đưa ra tòa án xét xử. 

"NDAA, được chính quyền tổng thống Donald Trump sử dụng để cấm công nghệ của Huawei cạnh tranh trên thị trường Mỹ, nhắm trực tiếp vào công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc, mà không để họ có cơ hội phản bác hay thoát ra. Chính phủ Mỹ đã không cung cấp bằng chứng nào cho thấy Huawei là mối đe dọa an ninh. Không có súng, không có khói. Tất cả chỉ là sự suy đoán" - ông Song Liuping, giám đốc pháp lý của công ty cho biết trước ngày nộp đơn .

Công ty lập luận rằng lệnh cấm là vi hiến vì Washington đặc biệt chỉ nhắm vào hai công ty Trung Quốc là ZTE và Huawei trong văn bản của mình. Điều này chứng tỏ luật NDAA chỉ là một phần của chiến dịch cạnh tranh chính trị và kinh tế của chính quyền tổng thống Trump đối với Trung Quốc, được thiết kế để mang lại cho các công ty Mỹ một lợi thế cạnh tranh không công bằng.

"Chính trị gia tại Mỹ đang sử dụng sức mạnh của cả một quốc gia để "ăn hiếp" một công ty tư nhân. Đây là điều bất thường và chưa từng có trong lịch sử. Huawei tin tưởng vào sự độc lập và toàn vẹn của hệ thống tư pháp Hoa Kỳ và hy vọng rằng những sai lầm của NDAA có thể được tòa án sửa chữa" -  ông Song Song nói.

Huawei đã chịu áp lực liên tiếp từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã cố gắng ngăn cản các đồng minh của Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông từ công ty để triển khai mạng di động 5G thế hệ tiếp theo, cho biết đây là một rủi ro an ninh quốc gia.

Huawei cho biết, việc Mỹ cấm Huawei vì lý do an ninh chỉ là một cái cớ, chứ không hề tăng cường bảo mật các mạng của chính phủ. Ngoài ra, nó còn làm mất tập trung sự chú ý từ những thách thức thực sự mà chúng ta phải đối mặt.

Ngày 15-5 chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tiến hành chiến dịch chống lại Huawei và đưa công ty này vào danh sách đen thương mại với lý do lo ngại rằng thiệt bị mạng của Huawei có nguy cơ bảo mật, nói rằng thiết bị của họ có thể gắn thiết bị tình báo Trung Quốc nhằm xâm phạm các cơ quan quốc gia. Tuy nhiên, Huawei đã nhiều lần kịch liệt phủ nhận những cáo buộc này.

Bộ Thương mại Mỹ sau đó cũng đưa Huawei và khoảng 68 chi nhánh vào danh sách cấm mua các bộ phận và linh kiện từ Mỹ, khiến tập đoàn hàng đầu Trung Quốc này đứng trước nguy cơ bị cô lập về công nghệ.

Trước đó, Mỹ đã đề nghị Canada bắt bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Huawei, với các cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran. Bà Mạnh Vãn Châu đang bị quản thúc tại Canada để chờ phiên tòa xem xét việc dẫn độ về Mỹ.

Các biện pháp nhắm vào Huawei được Mỹ tung ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục tăng nhiệt. Năm 2018, Washington thực hiện nhiều đợt áp thuế lên tổng cộng 250 tỉ hàng hóa của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh đáp trả, áp thuế đối với 110 tỉ hàng hóa của Mỹ.

Đầu tháng 5, Mỹ nâng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỉ USD hàng Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi các cam kết. Sau đó, Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỉ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái.

Tổng thống Mỹ đe dọa tiếp tục đánh thuế 25% với khoảng 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của Bắc Kinh. Mỹ có thể công bố biện pháp áp thuế này với Trung Quốc đúng thời điểm cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Nhật Bản vào ngày 28 và 29-6.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm