Lầu Năm Góc và ông Trump chia rẽ vì lời đe dọa tấn công Iran

Lầu Năm Góc ngày 6-1 đã giữ khoảng cách với lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump rằng ông sẽ ra lệnh không kích các địa điểm văn hóa của Iran bất chấp các lệnh cấm quốc tế đối với những cuộc tấn công như vậy.

Theo hãng tin AP, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cho biết Mỹ sẽ “tuân theo luật xung đột vũ trang”. Khi được hỏi liệu điều đó có loại trừ các mục tiêu văn hóa hay không, ông Esper nói rõ, “đó là luật của xung đột vũ trang”.

Sự chia rẽ giữa Tổng thống Trump và người đứng đầu Lầu Năm Góc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Tehran sau vụ Mỹ không kích hạ sát Tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), hồi tuần qua.

Tổng thống Trump đã hai lần cảnh báo rằng ông sẽ tấn công các địa điểm văn hóa của Iran nếu Tehran trả đũa Washington.

Các bình luận công khai của ông Esper phản ánh những quan ngại riêng tư của các quan chức quốc phòng và quân sự Mỹ khác. Những quan chức này đã viện dẫn các lệnh cấm pháp lý đối với hành động tấn công vào các cơ sở dân sự, văn hóa và tôn giáo, ngoại trừ trong một số trường hợp mang tính đe dọa nhất định.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (trái) và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: FOREIGN POLICY

Ông Trump lần đầu tiên đề cập khả năng nhắm vào các cơ sở văn hóa trong một bài tweet hôm 4-1 và nhắc lại quan điểm đó với các phóng viên ngay vào ngày hôm sau.

“Chúng tôi đã nhắm mục tiêu 52 địa điểm của Iran (đại diện cho 52 con tin người Mỹ bị Iran bắt giữ từ nhiều năm trước), một số ở cấp độ rất cao và quan trọng đối với văn hóa Iran và Iran, và những mục tiêu đó, cũng như chính Iran, SẼ BỊ TẤN CÔNG RẤT NHANH VÀ MẠNH MẼ” - ông Trump viết trong bài tweet.

Thông điệp trên Twitter của ông đã khiến các quan chức chính quyền Mỹ bị bất ngờ và đã nhanh chóng vấp phải sự phản đối của các học giả pháp lý, chuyên gia an ninh quốc gia và nhà lập pháp của đảng Dân chủ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn bảo vệ lời đe dọa của mình vào ngày hôm sau.

“Họ được phép giết người của chúng tôi. Họ được phép tra tấn và gây thương tật cho người dân của chúng tôi. Họ được phép sử dụng bom bên đường và làm nổ tung người dân của chúng tôi. Còn chúng tôi thì không được phép chạm vào các cơ sở văn hóa của họ hay sao? Nó không có hiệu lực theo cách đó” - ông Trump nói với các phóng viên đi cùng trên chuyên cơ Không lực Một.

Tuy nhiên, theo luật quốc tế, điều đó là có hiệu lực.

Cụ thể, Công ước Hague năm 1954 nói rằng các quốc gia phải thực hiện “tất cả bước có thể” để bảo vệ tài sản văn hóa và sẽ kiềm chế các hành động thù địch, chống lại các tài sản đó”. Các quốc gia cũng không được sử dụng các cơ sở văn hóa cho bất kỳ mục đích mang tính đe dọa, vốn khiến cho các địa điểm như vậy trở thành mục tiêu quân sự.

Lầu Năm Góc từ lâu đã có một danh sách những mục tiêu tiềm năng cả bên trong Iran lẫn những mục tiêu liên quan đến Iran trên khắp Trung Đông. Các mục tiêu và kế hoạch chiến tranh được cập nhật thường xuyên, bao gồm cả trong đợt gia tăng các hoạt động thù địch gần đây.

Các quan chức Mỹ thường không thảo luận danh sách này nhưng chắc chắn nó sẽ bao gồm một loạt cơ sở và khả năng của quân đội Iran, bao gồm tên lửa, phòng không và các vị trí chỉ huy và kiểm soát.

Bất kỳ mục tiêu nào cũng sẽ phải trải qua quá trình suy xét kéo dài trong quân đội và Lầu Năm Góc để xác định rằng chúng là hợp pháp, phù hợp và tương xứng với bất kỳ hành động nào từ phía Iran.

Chỉ sau khi quá trình đó hoàn thành, một danh sách các mục tiêu tiềm năng mới được trình tổng thống phê duyệt.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm