Khủng hoảng chính trị Libya đang diễn tiến nguy hiểm sau khi phe Benghazi do Nguyên soái Khalifa Haftar lãnh đạo tiến quân đánh về Tripoli và bị phe Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Serraj lãnh đạo đáp trả mạnh.
Ông Haftar được sự ủng hộ của Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Nga và Pháp. Tuy nhiên có vẻ ông Haftar không được sự ủng hộ của các nước này với quyết định đánh Tripoli.
4 nước bảo trợ bất mãn với Tướng Haftar
Họp tại Pháp ngày 6-4, các Ngoại trưởng G7 cảnh cáo Tướng Haftar hoặc ngưng tấn công chính quyền Tripoli được quốc tế công nhận hoặc sẽ phải hứng hành động từ quốc tế.
“Chúng tôi đề nghị tất cả các bên ngưng lập tức mọi hành động quân sự tiến về Tripoli” – đài NPR dẫn tuyên bố chung của các nước G7 (Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Mỹ).
Nga kêu gọi các bên kiềm chế. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov nói với ông Haftar rằng Nga vẫn thống nhất tìm một giải pháp chính trị cho “các vấn đề tranh chấp” ở Libya. Phần mình ông Haftar nói rằng lính của ông chỉ đánh “khủng bố” ở Libya, bao gồm cả “khủng bố” ở gần Tripoli, Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Lính của Tướng Haftar tuần tra TP Sabha ở miền Nam Libya ngày 9-2. Ảnh: AFP
Họp báo chung với Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry tại Cairo ngày 6-4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov muốn mọi lực lượng chính trị ở Libya cùng ký một thỏa thuận ủng hộ hòa bình. Ông Lavrov đồng thời cũng lên tiếng cảnh cáo các nước can thiệp quân sự vào Libya. Ngoại trưởng Shoukry cũng cho rằng không thể giải quyết khủng hoảng Libya bằng quân sự.
Cả UAE và Pháp đều đề nghị ông Haftar rút quân.
Tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị G7, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói khủng hoảng Libya không thể giải quyết bằng “chiến thắng quân sự” mà phương án duy nhất là dàn xếp chính trị.
“Ở Libya, chúng ta biết điều gì cần phải làm. Tối hôm qua chúng tôi thống nhất tuyên bố chung không khó khăn. Có một nguyên tắc cơ bản rằng ở Libya sẽ không có một chiến thắng quân sự. Giải pháp duy nhất là giải pháp chính trị”, ông Le Drian nói tại cuộc họp báo.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói ông và những người đồng cấp G7 thống nhất phải tăng cường áp lực lên những người chịu trách nhiệm kích động giao tranh ở Libya, đặc biệt ông Haftar.
Ngoại trưởng Ý Enzo Moavero Milanesi cho rằng Tướng Haftar nên xem lại một cách có trách nhiệm các giải pháp hòa bình nhằm ổn định Libya dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Trong phiên họp khẩn ngày 5-4 Hội đồng Bảo an Liên LHQ cũng kêu gọi ông Haftar ngưng tấn công về Tripoli. Tuy nhiên theo đài Al-Arabiya, trong cuộc gặp Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tại Benghazi ngày 5-4, ông Haftar nói rõ chiến dịch của ông sẽ còn tiếp tục đến khi nào “khủng bố bị tiêu diệt”.
Tướng Haftar (phải) trong cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres (trái) ở Benghazi (Libya) ngày 5-4 Ảnh: AP
Ông Guterres rời cuộc gặp ông Haftar với kết quả không khả quan. Trên Twitter trước khi rời Libya ngày 5-4 ông Guterres nói ông rời Libya với “trái tim nặng trĩu và sự lo ngại sâu sắc”.
LHQ vẫn sẽ tổ chức hội nghị bàn lịch bầu cử
Ngày 6-4, Đặc phái viên LHQ về Libya Ghassan Salame cho biết vẫn quyết định sẽ mở hội nghị quốc gia như đã dự tính trước đó để bàn về khả năng bầu cử, mặc các diễn biến giao tranh mới này. Lịch tổ chức hội nghị quốc gia này đã được LHQ lên kế hoạch vào ngày 14 đến 16-4 ở thị trấn Ghadames phía Tây Libya.
Họp báo tại Tripoli ngày 6-4, ông Salame nói ông cố gắng ngăn chặn một cuộc khủng hoảng mới có nguy cơ leo thang mất kiểm soát.
“Chúng tôi đã nỗ lực cả một năm dài vì hội nghị quốc gia này, chúng tôi sẽ không từ bỏ nỗ lực chính trị này dễ dàng vậy đâu. Chúng tôi biết tổ chức hội nghị giữa thời điểm leo thang giao tranh này là một chuyện khó khăn. Nhưng chúng tôi quyết định sẽ tổ chức đúng lịch trừ khi có hoàn cảnh bắt buộc chúng tôi phải ngừng”, ông Salame nói với báo chí.
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Libya Ghassan Salame họp báo ở Tripoli (Libya) ngày 6-4. Ảnh: REUTERS
Sau cuộc gặp với Thủ tướng Sarraj, Đặc phái viên Salame viết trên Twitter: “Tôi muốn đảm bảo với người dân Libya rằng LHQ sẽ không bỏ mặc họ, sẽ ở lại Libya, nỗ lực tìm kiếm một giải pháp chính trị, ngưng tiếng súng và đạt được một thỏa thuận chính trị hòa bình giữa các bên”.
Ngày 6-4 Thủ tướng Fayez al-Serraj lên truyền hình cáo buộc việc động binh của Tướng Haftar là một cuộc đảo chính.
Tới thời điểm này, Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của ông Haftar cho biết lực lượng này đã chiếm được các khu vực ngoại ô thủ đô Tripoli và chiếm được một địa điểm trước đây vốn một sân bay quốc tế.
LNA cho biết tới thời điểm này có 14 lính bên mình thiệt mạng, trong khi phe Tripoli cho biết đã bắt được 140 lính LNA.