Libya: Phe Tripoli phản đòn phe Benghazi, tình hình nguy hiểm

Nguyên soái Khalifar Haftar kiểm soát TP Benghazi và phần lớn miền Đông Libya ngày 4-4 chỉ đạo Quân đội Dân tộc Libya (LNA) đưa quân đánh về thủ đô Tripoli ở phía tây Libya do chính quyền Hòa hợp Dân tộc (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Sarraj kiểm soát.

Phe Benghazi quyết chiếm Tripoli, phe Tripoli phản đòn

Theo báo The New York Times, tính tới thời điểm này quân của ông Haftar đã chiếm một số vùng ngoại ô cách Tripoli vài chục km, và các lực lượng vũ trang đối tác với chính quyền Tripoli đang chống trả ngăn chặn. Một nguồn tin trong LNA nói với Sputnik trước đó rằng lực lượng LNA đã chiếm được một số vị trí chủ chốt ở phía tây, nam, và tây nam Tripoli.

Diễn biến mới nhất, đài Al Jazeera ngày 6-4 đưa tin chính quyền Tripoli đã triển khai máy bay không kích lính LNA ở TP Gharyan - khu vực cách Tripoli 80km về phía Nam. TP Gharyan trước đó bị LNA chiếm mà không cần cuộc giao tranh nào.

Trên truyền hình ngày 6-4, ông Sarraj cáo buộc ông Haftar là kẻ phản bội đồng thời tuyên bố lính của ông Haftar sẽ gặp kháng cự quyết liệt từ các lực lượng vũ trang ủng hộ chính quyền Tripoli.

“Chúng tôi đã giơ tay tới hòa bình nhưng sau hành động hiếu chiến từ lực lượng của ông Haftar và lời tuyên bố chiến tranh của ông ta chống lại các TP và thủ đô của chúng tôi, ông ta sẽ đối diện với sức mạnh và quyết tâm”, Al Jazeera dẫn lời ông Sarraj.

Trong một đoạn video lan truyền trên mạng, ông Haftar vẫn chỉ đạo lính dưới quyền tiếp tục tiến về Tripoli.

Tướng Khalifa Haftar chào cấp dưới tại một cuộc diễu binh ở Benghazi năm ngoái. Ảnh: AFP

Tướng Khalifa Haftar (giữa) chào cấp dưới tại một cuộc diễu binh ở Benghazi năm ngoái. Ảnh: AFP

Libya lâm vào bất ổn và khủng hoảng chính trị trầm trọng kể từ sau khi lãnh đạo Muammar el-Qaddafi bị giết chết năm 2011. Rất nhiều phe phái cạnh tranh giành quyền lực. Tướng Haftar vốn là một nhân vật dưới quyền lãnh đạo Qaddafi, sau đó bỏ ngũ và sống lưu vong ở Mỹ, quay trở lại Libya năm 2011 tham gia cuộc nổi dậy chống ông Qaddafi.

Năm 2014, Tướng Haftar tuyên bố ý định thống nhất đất nước dưới quyền lãnh đạo của mình. Ba năm tiếp theo ông Haftar nỗ lực giành lại Benghazi từ tay lực lượng Hồi giáo cực đoan.

Ông Haftar nhân được sự ủng hộ lớn từ các nước Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, tiếp đó tới Pháp và Nga. Theo thời gian ông Haftar thiết lập quyền kiểm soát của mình ở phần lớn miền Đông Libya.

Vì không có quân đội, chính quyền Tripoli phụ thuộc an ninh vào các nhóm vũ trang địa phương, mà các nhóm này lại có các động cơ quyền lợi mâu thuẫn nhau.

Trong khi đó khu vực ông Haftar kiểm soát lại có vẻ ổn định. Ông Haftar duy trì được thế cân bằng với chính quyền Tripoli. Ngân hàng trung ương ở Tripoli có nhiệm vụ trả lương công chức và cả binh lính dưới quyền ông Haftar. Về phần mình ông Haftar cho phép chính quyền Tripoli chuyển bán dầu qua các cảng mình kiểm soát.

Thế cân bằng này bị phá vỡ 2 tháng trước khi lực lượng của ông Haftar lần đầu tiên tiến về khu sa mạc phía Nam, đạt được các thỏa thuận với các bộ lạc địa phương mà không cần bạo lực, giành được quyền kiểm soát mỏ dầu Sharara - một trong những mỏ dầu lớn nhất Libya.

Thời điểm đó, nhiều nhà phân tích đã dự đoán chuyện ông Haftar đưa quân tiến về Tripoli chỉ còn là vấn đề thời gian.

Lực lượng trung thành với Tướng Khalifa Haftar chiếm mỏ dầu Sharara - một trong những mỏ dầu lớn nhất Libya hồi tháng 2 – động thái được cho là mở đường cho việc đưa quân chiếm Tripoli. Ảnh: REUTERS

Lực lượng trung thành với Tướng Khalifa Haftar chiếm mỏ dầu Sharara - một trong những mỏ dầu lớn nhất Libya hồi tháng 2 – động thái được cho là mở đường cho việc đưa quân chiếm Tripoli. Ảnh: REUTERS

Nhiều nhà phân tích nhận định, với đà tấn công và chứng tỏ sức mạnh của mình, ông Haftar có thể thuyết phục các nhóm vũ trang địa phương quanh Tripoli quay sang đi theo mình, như ông đã làm thành công ở một số khu vực khác trong những năm qua.

Tuy nhiên, phản ứng trước mắt của các nhóm vũ trang này trước hành động tấn công của ông Haftar là liên kết lại để ngăn chặn ông. Trước mắt các lực lượng này đã triển khai quân và vũ khí từ các thị trấn duyên hải Misrata, Zawiya đến các khu vực gần thủ đô Tripoli.

Can thiệp quốc tế không hiệu quả

Theo nhiều ý kiến phân tích, ở tuổi 75, Tướng Haftar có thể cảm nhận mình không còn nhiều thời gian để thực hiện tham vọng của mình.

Học giả Wolfram Lacher tại Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh (Đức) cho rằng đây là bước đi mang tính rủi ro rất lớn với ông Haftar.

“Với ông Haftar, hoặc và tất cả hoặc không có gì. Đây rõ ràng là một động thái giành quyền lực, nhưng nếu thất bại thì đó sẽ là một thất bại thảm hại, ông ta sẽ không thể duy trì được các nguồn ủng hộ của mình”, ông Lacher nói.

Liên Hiệp Quốc đã họp khẩn. Nga lên tiếng đề nghị kiềm chế. Mỹ, Anh, Pháp, Ý, UAE cùng ra tuyên bố chung “đề nghị tất cả các bên ngay lập tức giảm căng thẳng” và “tính trách nhiệm mọi phe phái Libya đẩy thêm xung đột trong nước”.

Liên Hiệp Quốc, với sự ủng hộ của Mỹ và một số nước phương Tây khác cố gắng giải quyết tình trạng bất ổn ở Libya bằng cách ủng hộ chính quyền thống nhất ở Tripoli. Diễn biến leo thang mới này đe dọa các nỗ lực do Liên Hiệp Quốc dẫn đầu nhằm mang lại sự ổn định cho đất nước Bắc Phi đã hàng năm dài chia rẽ, bất ổn.

Giao tranh leo thang trong bối cảnh Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres chỉ vừa đến Tripoli vài ngày trước nhằm dàn xếp hòa đàm giữa các nhóm kiểm soát Libya. Theo giới quan sát, hành động của ông Haftar có liên quan đến diễn biến này, khả năng lớn nhằm chiếm ưu thế trong cuộc hòa đàm.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thăm Tripoli (Libya) ngày 4-4. Ảnh: AFP

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres (giữa) thăm Tripoli (Libya) ngày 4-4. Ảnh: AFP

Ngay trong ngày 4-4 ông Guterres đã kêu gọi các bên “bình tĩnh và kiềm chế”.

“Tôi quan ngại sâu sắc diễn biến quân sự đang diễn ra ở Libya và rủi ro đối đầu. Không có giải pháp quân sự nào mà chỉ có đối thoại nội bộ Libya mới có thể giải quyết các vấn đề của Libya”, ông Guterres viết trên Twitter.

Tướng Haftar (phải) trong cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tại Benghazi (Libya) ngày 5-4. Ảnh: AFP

Tướng Haftar (phải) trong cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres (trái) tại Benghazi (Libya) ngày 5-4. Ảnh: AFP

Ngày 5-4, ông Guterres từ Tripoli di chuyển về Benghazi gặp ông Haftar. Tuy nhiên cuộc gặp đã không khả quan. Trên Twitter cuối ngày 5-4 trước khi rời Libya ông Gutterres viết: “Tôi rời Libya với trái tim nặng trĩu và lo ngại sâu sắc. Tôi vẫn hy vọng tránh được một cuộc đối đầu đẫm máu trong và quanh Tripoli”.

10 tỉ euro của Libya bổng dưng 'bốc hơi' bí ẩn
10 tỉ euro của Libya bổng dưng 'bốc hơi' bí ẩn
(PLO)- Khoảng 10 tỉ euro thuộc các tài khoản của chính phủ Libya, bị đóng băng theo lệnh trừng phạt nhằm vào cựu lãnh đạo Muamar Gaddafi, đã biến mất bí ẩn khỏi một ngân hàng ở Bỉ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm