Hãng tin AFP dẫn một nguồn tin ngoại giao Pháp ngày 8-4 bác bỏ cáo buộc rằng Pháp đứng về phía Nguyên soái Khalifa Haftar trong diễn biến giao tranh mới ở Libya.
Nguồn tin ngoại giao này nhấn mạnh Pháp không hay biết về kế hoạch tấn công quân sự Tripoli của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Haftar. Theo nguồn tin này, Pháp không “bí mật lên kế hoạch” tấn công Tripoli và đã cố thuyết phục Tướng Haftar không thực hiện chiến dịch này.
Nguồn tin khẳng định Pháp vẫn ủng hộ Chính quyền Hòa hợp Dân tộc (GNA) do Thủ tướng Fayez al-Serraj lãnh đạo kiểm soát thủ đô Tripoli và miền Tây Libya. Theo nhà ngoại giao này, Pháp xem chính quyền GNA là trung tâm tiến trình chính trị ở Libya.
Ngày 5-4, ông Béatrice le Fraper du Hellen - Đại sứ Pháp tại Libya đã gặp Thủ tướng Sarraj giải thích Pháp không ủng hộ hành động của Tướng Haftar như một cách nhằm đạt được dàn xếp chính trị.
Thủ tướng Fayez al-Serraj (giữa) lãnh đạo chính quyền GNA gặp gỡ các chỉ huy vũ trang trung thành với GNA. Ảnh: AFP
Từ khi lãnh đạo Muammar al-Qaddafi bị giết chết năm 2011, Libya bị chia rẽ làm hai khu vực do hai phe quyền lực kiểm soát. Phe LNA do Tướng Haftar lãnh đạo kiểm soát TP Benghazi và miền Đông, và phe GNA do Thủ tướng Sarraj lãnh đạo kiểm soát thủ đô Tripoli và miền Tây.
Về chính thức Pháp cũng công nhận chính quyền GNA được thành lập theo Thỏa thuận Chính trị Libya nhằm thống nhất Libya theo tinh thần của Liên Hiệp Quốc và quốc tế. Tuy nhiên Pháp cũng ủng hộ phe LNA của Tướng Haftar. Theo các nhà quan sát thì lý do vì Pháp hy vọng ông Haftar sẽ giúp ngăn chặn đà di cư từ châu Phi vào châu Âu.
Tại hội nghị các Ngoại trưởng G7 ngày 6-4, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói khủng hoảng Libya không thể giải quyết bằng “chiến thắng quân sự” mà phương án duy nhất là dàn xếp chính trị.