'Mỹ can thiệp Hong Kong là không cần thiết, không phù hợp'

Sau một tuần chứng kiến người biểu tình ở Hong Kong kêu gọi Mỹ ủng hộ phong trào dân chủ của họ và thông qua một dự luật được đề xuất tại Quốc hội Mỹ về ủng hộ nhân quyền ở Hong Kong, Trưởng Đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) ngày 10-9 cho rằng sự can thiệp của Mỹ “hoàn toàn không cần thiết” và “cực kỳ không phù hợp”, theo hãng tin UPI (Mỹ).

Tại buổi họp báo ngày 10-9, bà Lam nói với báo giới rằng Hong Kong bảo vệ nhân quyền theo Luật Cơ bản của TP này – văn kiện mang tính hiến pháp của Hong Kong năm 1997, trong đó cung cấp mức độ tự trị cao trong các vấn đề pháp lý và chính trị cho Hong Kong theo chính sách “một quốc gia, hai chế độ” dàn xếp với Trung Quốc đại lục.

Người biểu tình Hong Kong vẫy cờ Mỹ khi họ kéo tới tổng lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong ngày 8-9. Ảnh: SCMP

“Can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Hong Kong về những gì chúng tôi đang làm theo Luật Cơ bản bảo vệ các quyền tự do - điều này hoàn toàn không cần thiết. Chúng tôi tự biết mình có nghĩa vụ và trách nhiệm tuân thủ các quy định trong Luật Cơ bản”, bà Lam nhấn mạnh.

Trưởng Đặc khu Hong Kong nói rằng việc một quốc gia khác can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong là “cực kỳ không phù hợp”.

“Tôi hy vọng không có thêm ai ở Hong Kong tìm cách tiếp cận để yêu cầu Mỹ thông qua dự luật này”, bà Lam nói, nhắc tới Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong được trình ra Quốc hội Mỹ hồi tháng 6.

Bà Lam thề sẽ không để Mỹ trở thành bên liên quan trong vấn đề nội bộ của Hong Kong, chỉ trích dự luật này là sự can thiệp không cần thiết. Bà Lam cũng bày tỏ “vô cùng lấy làm tiếc" trước Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong.

Theo đó, dự luật sẽ mở đường cho Washington trừng phạt các quan chức đàn áp quyền tự do cơ bản ở Hong Kong bằng các biện pháp như đóng băng tài sản của họ ở Mỹ, cấm nhập cảnh vào Mỹ. Dự luật này được lưỡng đảng ủng hộ và một số nghị sĩ Mỹ gọi dự luật này là ưu tiên cho phiên họp mới của Quốc hội, bắt đầu hôm 9-9.

Dự luật sẽ yêu cầu Mỹ đánh giá quyền tự trị của Hong Kong hằng năm nhằm xác định xem liệu các lợi ích được đưa ra trong Đạo luật Chính sách Mỹ-Hong Kong năm 1992 có nên tiếp tục hay không.

Hôm 8-9, một đám đông người biểu tình ước tính khoảng 250.000 người đã tập trung trước Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Hong Kong để kêu gọi ủng hộ, đánh dấu tuần thứ 14 liên tiếp thành phố 7,5 triệu dân này chìm trong làn sóng biểu tình.

Nữ lãnh đạo Hong Kong hôm 10-9 nói rằng việc rút lại dự luật dẫn độ không có nghĩa là ngay lập tức có thể chấm dứt các buộc biểu tình mà phải khởi động đối thoại.

 “Bạo lực nên chấm dứt vì lợi ích của Hong Kong nhưng trong tương lai để hàn gắn rạn nứt trong xã hội và mang lại hòa bình chúng tôi sẵn sàng tham gia đối thoại trực tiếp với mọi người. Chúng tôi đang chuẩn bị tiếp cận cộng đồng để có cuộc đối thoại trực tiếp này với mọi người. Ưu tiên hàng đầu nhằm đạt được mục tiêu mang lại hòa bình và trật tự cho Hong Kong là cho tất cả chúng tôi, tất cả người dân Hong Kong và nói không với bạo lực”, bà Lam nói.

Tuy nhiên, người biểu tình không có xu hướng hạn chế phong trào biểu tình của mình cho tới khi tất cả yêu cầu của họ được đáp ứng. Ngoài yêu cầu rút hoàn toàn dự luật dẫn độ, trong đó cho phép đưa người phạm tội sang Trung Quốc đại lục xét xử, người biểu tình còn yêu cầu lập ủy ban điều tra độc lập vào các hành động của cảnh sát khi trấn áp biểu tình, tha bổng những người biểu tình bị bắt, loại bỏ từ “bạo động” khi nói về người biểu tình và tổ chức bầu cử phổ thông để chọn ra các chính trị gia của Hong Kong.

Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam tại buổi họp báo ngày 10-9. Ảnh: REUTERS

Theo báo South China Morning Post (SCMP), hôm 8-9 hàng ngàn người biểu tình tập trung trước Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Hong Kong nhằm yêu cầu thông qua dự luật, trước khi một số người biểu tình có hành vi bạo lực.

Phong trào chống chính quyền Hong Kong bước vào tuần thứ 14 đã làm rung chuyển TP này, dẫn tới nhiều vụ đụng độ bạo lực với cảnh sát và hơn 1.000 vụ bắt giữ. Cảnh sát đã dùng hơi cay, đạn cao su và đạn túi đậu để trấn áp người biểu tình.

Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong hiện đang được xem xét bởi các ủy ban Quốc hội Mỹ và hiện chưa có thời gian cụ thể trình dự luật này trước các nhà lập pháp.

Ngày 17-9, Ủy ban hành pháp Quốc hội về Trung Quốc dự kiến tổ chức một cuộc điều trần với sự tham dự của Hoàng Chi Phong, thủ lĩnh phòng trào biểu tình ở Hong Kong và ca sĩ Denise Ho Wan-sze cùng lãnh đạo sinh viên ĐH Hong Kong Sunny Ho.

Buổi điều trần sẽ “đo lường những diễn biến tại Hong Kong và tương lai quan hệ Mỹ-Hong Kong” trước làn sóng biểu tình hiện nay, và “những căng thẳng leo thang do sự bạo lực của cảnh sát gây ra và các mối đe dọa mà chính phủ Trung Quốc đặt ra với quyền tự trị của Hong Kong”.

Các nhà lập pháp của Viện dân biểu Mỹ được cho đang lên kế hoạch đưa ra thêm dự luật đình chỉ xuất khẩu các thiết bị và dịch vụ kiểm soát bạo động cho cảnh sát Hong Kong.

Hôm 10-9, bà Lam cũng cho hay khoảng 1.400 công ty Mỹ ở Hong Kong được hưởng lợi từ “mối quan hệ song phương tích cực” giữa Hong Kong và Mỹ.

“Bất kỳ thỏa thuận nào mà chúng tôi có hay bất cứ quy định đặc biệt nào áp dụng cho Hong Kong từ người Mỹ không chỉ dành riêng cho lợi ích của Hong Kong. Tuy nhiên, để can thiệp vào vấn đề nội bộ của Hong Kong… điều này hoàn toàn không cần thiết”, bà Lam nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm