Rút hay không rút dự luật dẫn độ, câu hỏi mà chính quyền Hong Kong phải mất gần ba tháng mới có câu trả lời.
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), sáu ngày sau khi ước tính khoảng 1 triệu người xuống đường biểu tình hôm 9-6 nhằm phản đối dự luật dẫn độ, Trưởng Đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đình chỉ dự luật nhưng từ chối rút lại.
Đến ngày 16-6, khoảng 2 triệu người biểu tình lần nữa tuần hành nhằm phản đối dự luật dẫn độ, trong đó cho phép đưa người vi phạm sang Trung Quốc đại lục xét xử.
Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam thông báo rút dự luật ngày 4-9. Ảnh: SCMP
Kể từ đó, TP này bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình và bà Lam kiên quyết không rút lại dự luật, một trong năm yêu cầu quan trọng của người biểu tình.
Nhưng chỉ trong ba tuần qua, nữ lãnh đạo Hong Kong đã thay đổi suy nghĩ. Điều đó xảy ra sau khi bà lắng nghe lời kêu gọi đồng lòng của nhiều nhóm khác nhau, bao gồm các nhà thủ lĩnh chính trị và cộng đồng, về việc rút lại dự luật, các nguồn tin nói với SCMP.
Một nguồn tin thân cận với phe đối lập cho biết việc bà Lam rút dự luật dẫn độ cho thấy sự chân thành của bà trong việc cố gắng thiết lập nền tảng đối thoại với nhiều thành phần khác nhau nhằm tìm cách thúc đẩy TP này, một quá trình tiếp cận tham vấn mà bà thông báo hồi tháng 8.
Bà Lam đã triệu tập một cuộc họp với sự tham dự của 19 lãnh đạo TP cấp cao và các nhà chính trị tại dinh thự của mình hôm 24-8 nhằm tìm cách đối thoại với những người đứng sau các cuộc biểu tình chống chính quyền làm tê liệt Hong Kong gần ba tháng qua.
Đa số những người dự cuộc họp để nói với bà Lam rằng bà nên giải quyết hai yêu cầu hàng đầu của người biểu tình là rút hoàn toàn dự luật và mở cuộc điều tra độc lập về các hành động của cảnh sát khi trấn áp biểu tình, trong đó có việc cảnh sát dùng vũ lực.
Hai ngày sau, tức 26-8, bà Lam tổ chức một cuộc họp kín với khoảng 20 người trẻ Hong Kong, hầu hết trong độ tuổi 20-30.
“Tiếng nói của những bạn trẻ, những người mà trưởng đặc khu đã tham vấn về việc rút dự luật là đặc biệt đầy thanh âm” - nguồn tin nói, cho biết thêm họ cũng yêu cầu bà Lam đáp ứng yêu cầu này và yêu cầu hàng đầu khác là lập ban điều tra độc lập về các hành động của cảnh sát trong khi trấn áp biểu tình.
Hong Kong đã trải qua 13 tuần sóng gió. Ảnh: REUTERS
“Trưởng đặc khu đã lưu tâm đến quan điểm của họ về việc rút dự luật. Chúng tôi nghĩ không có sự khác biệt quan trọng giữa việc chính thức rút dự luật và không rút dự luật. Việc rút hoàn toàn dự luật là cách dễ dàng nhất để xoa dịu căng thẳng trong TP” - nguồn tin nói thêm.
Theo nguồn tin, chính quyền Hong Kong không thể đồng ý với yêu cầu lập ban điều tra độc lập vì vấn đề này do Hội đồng Khiếu nại cảnh sát độc lập (IPCC) xử lý.
Hãng Bloomberg đưa tin, bà Lam ngày 4-9 trong bài phát biểu được phát trên truyền hình thông báo chính thức rút lại dự luật dẫn độ sau 13 tuần sóng gió. Bà ra thông báo trên sau cuộc họp với các chính trị gia gồm các nhà lập pháp địa phương và đại diện của các cơ quan lập pháp Hong Kong.
“Những sự việc xảy ra trong hơn hai tháng qua đã gây sốc và làm buồn lòng người dân Hong Kong. Chúng tôi đều rất lo lắng cho Hong Kong, ngôi nhà của chúng ta. Tất cả chúng tôi hy vọng tìm ra cách thoát khỏi tình trạng bế tắc và bất ổn hiện tại” - bà Lam ngồi trên bàn, hai tay đan lại, nói.
Ngoài yêu cầu chính thức rút dự luật dẫn độ, người biểu tình còn đòi chính quyền Hong Kong thành lập một ủy ban để điều tra các hành vi bạo lực của cảnh sát khi đối phó với người biểu tình, ân xá cho những người bị bắt, dừng gọi các cuộc biểu tình là các cuộc nổi loạn và khởi động lại tiến trình cải cách chính trị đang bị đình trệ.
Về yêu cầu lập ủy ban điều tra độc lập đối với cảnh sát của người biểu tình, bà Lâm nói: “Liên quan tới việc mở một cuộc điều tra độc lập, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta không nên thành lập một ủy ban điều tra và nên để vụ việc này cho Hội đồng Khiếu nại cảnh sát độc lập (IPCC) giải quyết”.
Còn việc bãi bỏ cáo buộc đối với người biểu tình bị bắt như người biểu tình yêu cầu, bà Lâm cho biết bà đã giải thích rằng động thái này “đi ngược lại với quy tắc pháp luật và không thể chấp nhận được”.