Mỹ và 13 quốc gia khác đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố báo cáo về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19, hãng tin Reuters cho hay.
Trong bản tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Mỹ đăng tải trực tuyến hôm 30-3, 14 nước đã "bày tỏ mối quan ngại chung" liên quan tới báo cáo mà WHO công bố trước đó vài giờ.
Việc tiếp cận dữ liệu không đầy đủ và hoàn chỉnh
Các nước này cho rằng các nỗ lực quốc tế điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19 đã "bị trì hoãn đáng kể và thiếu quyền truy cập vào các dữ liệu và mẫu sinh phẩm nguyên bản, hoàn chỉnh".
Nhóm chuyên gia WHO điều tra nguồn gốc COVID-19 làm việc tại TP Vũ Hán (Trung Quốc) hồi cuối tháng 1. Ảnh: GETTY IMAGES
Mỹ và các đồng minh nhấn mạnh rằng việc điều tra phải không bị cản trở hay giới hạn mới có thể tạo ra các kết quả và khuyến nghị "độc lập và khách quan".
"Điều quan trọng là các chuyên gia độc lập phải có toàn quyền truy cập vào tất cả dữ liệu về con người, động vật và môi trường, các nghiên cứu và những người liên quan đến giai đoạn đầu của đợt bùng phát" - 14 nước nhấn mạnh bản tuyên bố chung.
Các nước cho rằng yêu cầu này là vì lợi ích của tất cả các nước và để hướng tới "một quy trình kịp thời, minh bạch, dựa trên bằng chứng" nhằm bảo vệ người dân khỏi COVID-19 và khỏi các cuộc khủng hoảng y tế có thể xảy ra trong tương lai.
Bản tuyên bố chung cũng nhấn mạnh tính cấp thiết phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về các loài động vật có liên quan để tìm ra cách dịch COVID-19 lây nhiễm sang người và hướng tới các giai đoạn nghiên cứu tiếp theo.
Các nước này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có "một cơ chế mạnh mẽ, toàn diện, do các chuyên gia lãnh đạo" để kịp thời điều tra các loại dịch bệnh không rõ nguồn gốc khác, đồng thời cam kết sẽ duy trì hợp tác với WHO.
Bên cạnh Mỹ, các quốc gia cùng ký tên trong bản tuyên bố này là Úc, Canada, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Estonia, Israel, Nhật, Latvia, Lithuania, Na Uy, Hàn Quốc, Slovenia và Anh.
Tổng Giám đốc WHO thừa nhận hạn chế trong điều tra
Bản thân Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng thừa nhận những hạn chế trong quá trình điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AP
Trong cuộc họp báo ngày 30-3, ông Tedros tiết lộ rằng trong các cuộc thảo luận với nhóm chuyên gia điều tra thực địa tại Trung Quốc, các nhà khoa học của WHO chỉ ra "những khó khăn mà họ gặp phải trong việc tiếp cận dữ liệu thô".
Ông Tedros đồng tình với kết luận của nhóm nghiên cứu rằng nông dân, những người cung cấp động vật tươi sống cho các tiểu thương ở chợ và những người tiếp xúc với những người trên cũng cần được phỏng vấn.
Tổng Giám đốc WHO cũng hy vọng các cuộc điều tra tương tự trong tương lai sẽ nhận được sự hợp tác từ các nước bằng cách "chia sẻ dữ liệu toàn diện và kịp thời hơn".
Ông Tedros nhắc lại kết quả đã được ghi nhận trong báo cáo hôm 30-3 rằng ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được cho là khởi phát triệu chứng từ ngày 8-12-2019, song nhấn mạnh cần điều tra sâu hơn để hiểu rõ về ca bệnh này.
"Tôi hoan nghênh các đề xuất nghiên cứu sâu hơn để hiểu các cụm dịch và ca nhiễm đầu tiên ở người, theo dõi các động vật được bán tại các chợ trong và xung quanh TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), hiểu rõ hơn về phạm vi các loài có thể là vật chủ và trung gian lây bệnh" - ông Tedros nói trong buổi họp báo.
Các chuyên gia WHO chưa thể kết luận cụ thể về nguồn gốc đại dịch, cũng như vai trò của khu chợ Hoa Nam chuyên buôn bán động vật tươi sống ở TP Vũ Hán.
Về khả năng virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm, ông Tedros nhắc lại rằng các chuyên gia WHO đã điều tra theo hướng này nhưng chưa đủ để đưa ra kết luận sau cùng.
Ông Tedros lưu ý rằng tất cả mọi giả thuyết đều đang được xem xét, song nguy cơ virus bị rò rỉ từ các phòng thí nghiệm là ít có khả năng xảy ra nhất.
Ông Tedros cam kết tiếp tục điều tra và sẽ cập nhật các tiến triển mới nhất.