Mỹ điều 2 tàu chiến ra biển Đông, nghi gần nơi tàu Hải Dương 8

Quân đội Mỹ thông báo hai tàu chiến nước này đang hoạt động ở biển Đông, hãng tin Reuters cho hay.

Ngày 21-4, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ - bà Nicole Schwegman cho biết tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đã được điều tới biển Đông.

Tàu tấn công đổ bộ USS America của hải quân Mỹ. Ảnh: SINA

Người phát ngôn Schwegman tuyên bố: "Thông qua sự hiện diện liên tục của chúng tôi ở biển Đông, chúng tôi đang hành động thúc đẩy tự do hàng hải, hàng không và các nguyên tắc quốc tế làm nền tảng an ninh và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".

"Mỹ ủng hộ những nỗ lực của các đồng minh và đối tác của chúng tôi để kiểm soát lợi ích kinh tế của họ" - bà Schwegman nói tiếp.

Bà Schwegman không nói rõ vị trí hoạt động của hai tàu chiến Mỹ. Trong khi đó, một số nguồn tin an ninh Mỹ cho Reuters biết các tàu Mỹ sẽ hoạt động gần tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 (Trung Quốc) và tàu khoan West Capella của Tập đoàn dầu khí Petronas (Malaysia).

Chuẩn đô đốc Fred Kacher, chỉ huy nhóm tàu viễn chinh USS America, nói với Reuters hồi đầu tuần rằng lực lượng của ông đã liên lạc với hải quân Trung Quốc ở biển Đông.

Ông Kacher cho biết hải quân Mỹ sẽ tiếp tục giữ liên lạc với Trung Quốc và đảm bảo việc tương tác giữa hai bên được "an toàn và chuyên nghiệp".

Trả lời Reuters về hoạt động của tàu Hải Dương địa chất 8, Trung Quốc cho biết tàu này vẫn "hoạt động bình thường" và không hề có việc tàu Trung Quốc phải rút đi, cũng không có "sự đối đầu" nào giữa tàu Trung Quốc và tàu chiến Mỹ.

Công ty Petronas và Bộ Ngoại giao Malaysia chưa có bình luận về động thái này của hải quân Mỹ. 

Tuần trước, tàu khảo sát Hải dương địa chất 8 của chính phủ Trung Quốc đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trước khi đến hoạt động gần tàu West Capella của Malaysia.

Ngày 18-4, Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt "hành vi bắt nạt" ở biển Đông và bày tỏ quan ngại rằng hành động khiêu khích của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển dầu khí ngoài khơi trong khu vực.

Ngay từ khi Trung Quốc di chuyển qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã tuyên bố các cơ quan chức năng của Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở biển Đông.

Bà Hằng cho hay Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ quy định liên quan của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở biển Đông. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm