Một tuần trước hội đàm thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại TP Geneva (Thụy Sĩ), Washington và Moscow đã có những phát biểu mang tính cảnh báo nhau.
Ông Biden: Tôi muốn ‘để ông ấy biết những gì tôi muốn ông ấy biết’
Ngày 9-6, ông Biden cùng Đệ nhất phu nhân Jill Biden đã rời Mỹ trên chiếc Không lực Một để tới Anh, bắt đầu chuyến công du tám ngày ở châu Âu.
Phát biểu trước lực lượng Mỹ đồn trú tại căn cứ không quân Mildenhall (Anh), Tổng thống Mỹ tuyên bố muốn cho người đồng cấp Nga “biết những gì tôi (tức ông Biden) muốn ông ấy (tức ông Putin) biết”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu hôm 9-6 tại căn cứ không quân Mildenhall (Anh), mở đầu chuyến công du châu Âu. Ảnh: REUTERS
Dù có phát biểu “cảnh báo” ông Putin nhưng ông Biden tuyên bố “không tìm kiếm xung đột với Nga” và nhắc lại mong muốn về một mối quan hệ “ổn định và có thể dự đoán”.
Ông Biden nhấn mạnh rằng Mỹ đã và sẽ tiếp tục đáp trả các hành động của Nga mà Washington cho là “gây hại”, “vi phạm chủ quyền” của Mỹ và các quốc gia châu Âu.
Trước khi gặp ông Putin ở Geneva, ông Biden sẽ tham dự một số sự kiện quan trọng khác của nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 (từ ngày 11-6 đến ngày 13-6 ở Anh), Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) (ngày 14-6 ở Bỉ).
Nga: Mỹ cần tránh lặp lại sai lầm trong quá khứ
Phát biểu hôm 9-6 tại diễn đàn quan hệ quốc tế và kinh tế thế giới thường niên mang tên cựu Thủ tướng Nga Yevgeny Primakov, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bày tỏ “hy vọng những nước đang làm việc với Nga (ám chỉ Mỹ) sẽ đánh giá hành động, lợi ích và lập trường - ít nhất là lằn ranh đỏ - của Nga”, theo hãng thông tấn TASS.
Ông Lavrov cũng hy vọng Mỹ “sẽ học bài học từ các sai lầm trong quá khứ” để không tổ chức một cuộc gặp “chỉ xuất phát từ lập trường tuyên bố quyền bá chủ trong các vấn đề toàn cầu”.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu hôm 9-6 tại diễn dàn (trực tuyến) Primakov Readings. Ảnh: RT
Ngoại trưởng Nga chỉ ra rằng “bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ chỉ có thể trở nên khả thi nếu nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nhau được tuân thủ”.
Ông Lavrov cho rằng các nguyên tắc này không chỉ giúp xây dựng quan hệ đối thoại “ổn định và có thể dự đoán” như Mỹ tuyên bố mà còn là điều kiện quan trọng để loại bỏ thái độ thù địch dai dẳng giữa Washington và Moscow.
Hội đàm thượng đỉnh sắp tới ở Geneva là lần đầu tiên ông Biden, trên cương vị Tổng thống Mỹ, gặp ông Putin. Cuộc gặp diễn ra giữa lúc căng thẳng giữa Mỹ, cũng như các nước phương Tây, với Nga vẫn chưa hạ nhiệt.
Hai bên xung đột gay gắt trong các vấn đề quân sự, cáo buộc can thiệp bầu cử và tấn công mạng hay câu chuyện liên quan tới Ukraine, Belarus, Syria... và nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny.