Chính phủ Mỹ đang chuẩn bị điều tra chống độc quyền nhằm vào các tập đoàn, công ty công nghệ lớn Apple, Google, Facebook, và công ty thương mại điện tử Amazon, hãng tin Reuters dẫn 2 nguồn thạo tin cho biết ngày 3-6.
Theo các nguồn tin, đây sẽ là cuộc điều tra chưa có tiền lệ, quy mô lớn nhắm vào các công ty, tập đoàn công nghệ thuộc hàng lớn nhất thế giới. Tất cả bốn tập đoàn, công ty này đều trị giá hàng trăm tỉ USD.
Trước đó, ngày 31-5 có thông tin Bộ Tư pháp Mỹ đang làm các chuẩn bị các bước cần thiết để xúc tiến điều tra liệu công ty quảng cáo trực tuyến lớn nhất thế giới Google có ỷ vào quy mô của mình mà đè nén các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn, vi phạm luật đảm bảo cạnh tranh công bằng hay không.
Ngày 1-6, báo Washington Post đưa tin Amazon sẽ bị Ủy ban Thương mại Liên bang điều tra.
Lâu nay Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ và Bộ Tư pháp Mỹ - vốn thực thi luật chống độc quyền ở Mỹ - đã chia nhau giám sát hoạt động của bốn công ty này. Bộ Tư pháp giám sát Apple và Google, còn Ủy ban Thương mại Liên bang thì giám sát Facebook và Amazon.
Apple đang bị Liên minh châu Âu điều tra về cáo buộc lạm dụng quyền lực trên thị trường. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng kêu gọi giám sát kỹ hơn hoạt động của Google và các công ty mạng xã hội, cáo buộc các công ty này đè nén các tiếng nói bảo thủ. Amazon thì bị ông Trump chỉ trích lấn át Dịch vụ bưu chính Mỹ.
Các nghị sĩ hàng đầu lưỡng đảng đều hoan nghênh khả năng điều tra các tập đoàn, công ty công nghệ lớn.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện – nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham nói với Reuters rằng kiểu kinh doanh của các công ty như Goolge hay Facebook cần phải bị xem xét cẩn thận.
“Nó có quá nhiều quyền lực, quá mất kiểm soát” – Reuters dẫn lời ông Graham.
Nghị sĩ Cộng hòa Marsha Blackburn cũng đồng ý chính phủ Mỹ phải sâu sát hoạt động của các công ty công nghệ này.
Nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal nói chính phủ Mỹ phải kiểm soát được quyền lực mà các công ty này bành trướng trên thị trường.
Ngay sau khi thông tin sắp bị điều tra được tung ra, giá cổ phiếu các công ty giảm mạnh. Giá cổ phiếu Facebook ngày giao dịch 3-6 giảm 7,5%, của Alphabet – tập đoàn mẹ của Google giảm hơn 6%, Amazon giảm 4,6%. Apple giảm 1%.
Giá cổ phiếu Facebook giảm 7,5% trong ngày 3-6 sau khi có thông tin sắp bị chính phủ Mỹ điều tra. Ảnh: REUTERS
Các công ty công nghệ Mỹ đang phải đối mặt nhiều khó khăn không chỉ ở Mỹ mà khắp thế giới. Nhiều đối thủ cạnh tranh, các nhóm nghị sĩ, các nhóm tiêu dùng nhiều lần phàn nàn rằng các công ty này nắm quá nhiều quyền lực trên thị trường và điều này tác động tiêu cực đến người sử dụng dịch vụ và hoạt động kinh doanh của các đối thủ.
Amazon, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới bị chỉ trích làm khó các nhà bán hàng trên trang web của mình. Nhiều người cho rằng giá bán thấp của Amazon đã làm tổn thương các nhà bán lẻ bán hàng hóa ở các cửa hàng, khiến nhiều nhà bán lẻ phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh.
Apple thì đang bị Liên minh châu Âu điều tra về cáo buộc lạm dụng quyền lực trên thị trường. Năm 2014, nhà sản xuất điện thoại iPhone đã phải dàn xếp với Bộ Tư pháp Mỹ một vụ kiện mà tập đoàn này bị cáo buộc thông đồng với các nhà xuất bản để tăng giá bán sách điện tử.
Facebook có hơn 1,5 tỉ người dùng, có ảnh hưởng cực lớn ở rất nhiều nước, nhưng bị chỉ trích cho phép lưu hành các nội dung sai lệch và tin giả. Trước thông tin về khả năng bị điều tra mới này thì Facebook đã bị Ủy ban Thương mại Liên bang điều tra về việc chia sẻ dữ liệu của 87 triệu người dùng với công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica (Anh-hiện không còn hoạt động). Hồi tháng 4 Facebook nói có khả năng sẽ bị phạt 5 tỉ USD vì vụ này.
Google cũng bị cáo buộc độc quyền trong hoạt động trên trang web tìm kiếm của mình. Năm 2013 Google đã phải dàn xếp một khoản bồi thường cho một cuộc điều tra của Ủy ban Thương mại Liên bang. Google cũng từng bị EU phạt nhiều lần vì độc quyền, lần gần đây nhất là 1,5 tỉ euro vào tháng 3.
Google bị cáo buộc độc quyền trong hoạt động trên trang web tìm kiếm của mình. Ảnh: REUTERS
Chưa biết việc điều tra sẽ diễn tiến thế nào nhưng theo nhiều chuyên gia luật pháp thì khả năng chính phủ Mỹ giải tán các tập đoàn, công ty công nghệ này là không có. Kết quả của việc điều tra chống độc quyền ở Mỹ thường là đi đến thỏa thuận các công ty bị điều tra cam kết thay đổi phương thức hoạt động kinh doanh.