Đó là phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Nga Zvezda hôm 21-4.
"Giờ đây khi người Mỹ cứ nói rằng tất cả các lựa chọn vẫn trên bàn, tôi không nghi ngờ gì về việc họ đang tính toán hậu quả của một cuộc phiêu lưu quân sự", nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nói thêm.
"Họ dường như nghĩ rằng đây sẽ là một đòn tấn công chớp nhoáng, nhưng điều này đã không xảy ra và họ thừa nhận điều này", ông Lavrov nhấn mạnh.
"Hầu như không có ai ở châu Mỹ La-tinh sẽ ủng hộ họ, như tôi hiểu thì họ dựa vào một hoặc hai quốc gia", ông nói.
Trong khi đó, ông Lavrov bày tỏ tin tưởng rằng nếu Mỹ thực hiện một cuộc can thiệp quân sự vào Venezuela, phần lớn các quốc gia trong khu vực sẽ ngừng ủng hộ tiến trình của Washington hướng đến việc lật đổ chính phủ ở Caracas.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: MEHRNEWS
Cũng trong cuộc phỏng vấn trên, ông Lavrov đã đặt nghi vấn về logic của Mỹ khi cáo buộc Moscow đưa chuyên gia quân sự tới Venezuela, trong khi các nước NATO cũng ồ ạt đưa nhân viên quân sự đến Ukraine.
“Có những yêu cầu đặt ra rằng không một nhân viên quân sự nào của Nga nên ở lại Venezuela, bởi vì đây là mong muốn của Mỹ, và không quốc gia nào bên ngoài bán cầu Tây (châu Mỹ) có quyền hiện diện ở Venezuela”, ông Lavrov nói.
Cũng theo Ngoại trưởng Nga, lời giải thích của Moscow rằng các nhân viên quân sự Nga có mặt tại Venezuela theo một hợp đồng về sửa chữa và bảo trì thiết bị quân sự “đã bị phớt lờ”. Trong khi đó, không một ai đề cập thực tế rằng quân đội Mỹ và các lực lượng khác của NATO, từ Anh cho tới Canada, đã ồ ạt kéo đến Ukraine.
“Rõ ràng, họ đang đi theo nguyên tắc Quod licet Jovi, non licet bovi (Thần thánh có thể làm những việc mà gia súc không được làm)”, ông Lavrov phát biểu, đề cập câu ngạn ngữ mang hàm ý về tiêu chuẩn kép, trong đó Mỹ được phép làm một việc nào đó nhưng các nước khác thì không.
“Đây là một logic méo mó. Điều đó sẽ không giúp ích cho các đối tác Mỹ của chúng tôi. Tôi hy vọng một ngày nào đó họ sẽ hiểu ra điều này”, ông Lavrov nói thêm.
Hồi tháng 3, hai máy bay quân sự Nga đã chở các sĩ quan quân sự và 35 tấn hàng hóa đến sân bay Caracas. Động thái này của Moscow đã bị Washington và các nước phương Tây nghi ngờ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharov sau đó lên tiếng xác nhận sự hiện diện của các chuyên gia quân sự Nga tại Venezuela tuân thủ nghiêm ngặt hiến pháp của nước này. Đây là một phần trong thỏa thuận giữa hai chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự được ký từ năm 2001.
Thứ trưởng Ngoại giao Venezuela Ivan Gil đầu tháng này cũng tuyên bố không loại trừ khả năng sẽ có thêm nhiều nhân viên quân sự Nga nữa đến Venezuela theo các thỏa thuận đạt được giữa hai nước, theo báo The Moscow Times.
Mỹ tuần qua đã kêu gọi các nước đóng cửa không phận với các máy bay quân sự Nga trên đường đến Venezuela sau khi hai máy bay quân sự của Moscow xuất hiện ở Caracas.
Mỹ và 50 nước khác cho đến nay vẫn ủng hộ thủ lĩnh đối lập Juan Guaido, người tự xưng là tổng thống lâm thời của Venezuela, và kêu gọi đương kim Tổng thống Nicolas Maduro rời khỏi quyền lực. Trong khi đó, Nga cùng với Trung Quốc và Cuba vẫn ủng hộ chính quyền của ông Maduro.