Việc các đồng minh của Mỹ cho phép Mỹ đặt tên lửa tầm trung và tầm ngắn trên lãnh thổ của họ đồng nghĩa với việc các quốc gia này đồng ý trở thành mục tiêu hạt nhân tiềm năng, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Liên bang Nga Konstantin Kosachev nói với hãng thông tấn TASS hôm 5-8.
Trước đó, vào hôm 5-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh sự cần thiết phải nối lại các cuộc đàm phán về việc đảm bảo sự ổn định và an ninh chiến lược giữa Nga và Mỹ. "Bất chấp những gì đã xảy ra (việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung), chúng tôi vẫn dựa vào ý thức chung, vào cảm giác trách nhiệm của các đồng nghiệp Mỹ và đồng minh của họ trước người dân và trước toàn bộ cộng đồng quốc tế" - Tổng thống Nga nhấn mạnh.
"Để ngăn chặn tình trạng hỗn loạn vì không có giới hạn và luật lệ, mỗi nước cần đánh giá mọi hậu quả nguy hiểm, quay lại đối thoại mà không có điều kiện tiên quyết" - ông Putin lưu ý.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Liên bang Nga Konstantin Kosachev. Ảnh: TASS
Ông Kosachev giải thích: "Chúng tôi phải làm rõ điều này, trước khi các chiến dịch tuyên truyền bắt đầu nói: Tại sao lại nhắm đến đất nước chúng tôi? Chúng tôi để Mỹ đặt tên lửa trên lãnh thổ của mình nhưng chúng chỉ nhằm mục đích chống lại những kẻ khủng bố (Iran, Triều Tiên, Syria,...)”.
“Không, điều này sẽ không hiệu quả. Những quốc gia chứa tên lửa Mỹ sẽ tự động và tự nguyện trở thành mục tiêu hạt nhân với thời gian tấn công vài phút” - ông nói thêm.
Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết giữa Liên Xô và Mỹ vào ngày 8-12-1987. Hiệp ước có hiệu lực vào ngày 1-6-1988. Hiệp ước này được áp dụng cho các tên lửa mặt đất được triển khai và không triển khai ở tầm trung (1.000-5.000km) và tầm ngắn (500-1.000km).
Washington đã nhiều lần cáo buộc Nga vi phạm hiệp định. Tuy nhiên, Moscow đã kịch liệt bác bỏ mọi cáo buộc và bày tỏ sự bất bình về việc không tuân thủ Washington.
Vào ngày 2-8, Bộ Ngoại giao Nga đã chính thức xác nhận rằng INF đã bị hủy bỏ do Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước.