Nhà thờ Đức Bà – công trình kiến trúc cổ, biểu tượng của nước Pháp – vừa trải qua một vụ cháy nghiêm trọng. Tháp Nhà thờ đổ sụp, phần lớn kiến trúc bên ngoài lẫn bên trong bị hư hại nghiêm trọng.
Sự việc gây chấn động và bàng hoàng lớn không chỉ với nước Pháp mà cả thế giới. Ngay sau khi có thông tin về vụ việc này, hàng loạt lãnh đạo và tổ chức thế giới (Liên minh châu Âu, Vatican, Mỹ, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Áo, Bỉ, Unesco…) lên tiếng bày tỏ sự đau xót trước mất mát này.
Gác chuông Nhà thờ Đức Bà đổ sụp vì lửa thiêu rụi ngày 15-4. Ảnh: AFP
Thủ tướng Đức Angela Merkel đau xót: "Những hình ảnh về vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris nhìn thật đau đớn”. Với Thủ tướng Ý Giuseppe Conte, sự kiện này là “một bất hạnh, một nỗi đau lớn trong tim người Pháp và cả châu Âu".
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nói ông vô cùng sốc khi chứng kiến một biểu tượng nước Pháp, một trong những tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất của lịch sử Pháp, một di sản văn hóa của nhân loại chìm trong biển lửa.
Bên trong Nhà thờ tan hoang sau khi lửa tràn qua. Ảnh: CNN
Tại sao mọi người lại bàng hoàng trước mất mát này đến thế? Tại sao việc mất mát những thứ cổ xưa lại khiến người ta đau xót đến thế? Nhìn lại trước đây, hành động phá phách tàn bạo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) với TP cổ Palmyra khiến người ta đau lòng không kém những cái chết của người dân Syria trong cuộc nội chiến ở nước này.
Những thứ cổ xưa thường không chỉ có dáng vẻ xinh đẹp, mà còn thường độc đáo. Nhà thờ Đức Bà Paris có cả hai điều này. Thời gian bỏ ra để xây dựng nó, tài năng của những người thợ thủ công hoàn thành nó, và thực tế đã không còn ai xây dựng công trình kiến trúc nào theo trường phái kiến trúc thời Trung cổ (Gothic) nữa – tất cả những điều này mang lại giá trị vô giá của Nhà thờ Đức Bà Paris.
Nhà thờ Đức Bà Paris lúc chưa bị cháy, có thể đón cùng lúc 6.000 người đến cầu nguyện. Ảnh: CNN
Như lời Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean Claude Juncker, rằng Nhà thờ Đức Bà Paris thuộc về toàn thể nhân loại, là nguồn cảm hứng cho các nhà văn, họa sĩ, nhà triết học và du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Còn theo cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, thì "Nhà thờ Đức Bà là một trong những kho báu tuyệt vời của thế giới”. Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, Nhà thờ Đức Bà Paris không chỉ là biểu tượng của nước Pháp mà còn của cả nền văn hóa châu Âu.
Vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một lần đến thăm Nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: TWITTER
Ngay sau vụ cháy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ cho xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris. Cựu Tổng thống Mỹ Obama hy vọng biểu tượng Paris sẽ được xây dựng lại "mạnh nhất có thể". Bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục và Văn hóa Liên Hiệp Quốc nói sẽ hỗ trợ Pháp “cứu và khôi phục di sản vô giá này".
Nhà thờ Đức Bà Paris không chết. Chắc chắn Nhà thờ rồi sẽ vươn lên lại, sẽ xinh đẹp lại. Ngọn tháp sẽ được dựng lại thanh nhã như xưa. Tuy nhiên theo báo The Washington Post, chắc chắc Nhà thờ Đức Bà Paris sau khi được phục chế sẽ không thể giống bản thân nó trước khi bị cháy.
Nhà thờ Đức Bà Paris đã hơn 850 tuổi, từng được nhận xét là nơi các cảm hứng truyền thống và hiện đại gặp nhau. Để có được công trình kiến trúc biểu tượng này, bao thế hệ người thợ thủ công đã miệt mài làm việc trong tới 182 năm – bắt đầu từ thế kỷ 12 và được hoàn thành trong thế kỷ thứ 13. Ngọn tháp được thêm vào cấu trúc trong lần Nhà thờ được tu bổ lại vào thế kỷ 19, sau khi Nhà thờ bị hư hại nghiêm trọng trong cuộc Cách mạng Pháp.
Khung xà gỗ sồi của Nhà thờ Đức Bà Paris được dựng từ thế kỷ 12. Ảnh: CNN
Nhà thờ nổi tiếng với hệ thống cửa sổ bằng kiếng quy mô lớn, cùng với nhiều chi tiết kiến trúc đặc biệt khác. Trong đó không thể không kể hệ thống lưới mắt cáo bằng gỗ bên trong Nhà thờ. Khung xà gỗ của Nhà thờ - chủ yếu là gỗ sồi – được dựng từ những thanh gỗ có từ những năm 1.160-1.170, là một trong những bộ phận cũ kỹ nhất của kết cấu Nhà thờ.
Để có được số gỗ làm khung xà Nhà thờ, người ta đã phải đốn 21 hecta gỗ sồi. Tổng cộng ước chừng có 13.000 cây sồi bị đốn. Để có được tầm cao cần thiết phù hợp với cấu trúc Nhà thờ, các cây sồi này phải từ 300-400 tuổi, có nghĩa chúng được trồng từ thế kỷ thứ 8 hoặc thứ 9. Phần lớn các thanh xà gỗ hiện tại vẫn là những thanh gỗ được dựng từ thế kỷ 12-13, theo trang web của Nhà thờ.