Nhiều quốc gia cấm bay qua không phận Iran, Iraq

Ngày 8-1, tờ The Guardian cho biết Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã cấm máy bay phi quân sự hoạt động trên không phận thuộc lãnh thổ Iraq, Iran, vịnh Oman cũng như các vùng biển giữa Iran và Saudi Arabia sau khi xảy ra loạt tấn công bằng tên lửa của Iran vào các căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq.  

FAA cho biết họ ban hành lệnh cấm bay tại các không phận trên do lo ngại các hoạt động quân sự, căng thẳng chính trị gia tăng ở Trung Đông có thể gây ra rủi ro cho hoạt động hàng không dân dụng Mỹ.

Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấm tất cả chuyến bay dân dụng qua vùng trời Iran, Iraq và vùng biển tại Trung Đông. Ảnh: AFP

Trước đó, FAA cũng đã cấm các máy bay của Mỹ bay ở độ cao dưới 8.000 m qua Iraq, trên vùng Vịnh và vịnh Oman sau vụ một máy bay không người lái của Mỹ bị Iran bắn hạ hồi tháng 6-2019.

Một đội ngũ hàng không quốc tế do Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) vừa mới được thành lập nhằm hỗ trợ, phối hợp và liên lạc hiệu quả giữa các hãng hàng không cũng như các quốc gia khi căng thẳng ở Trung Đông đang ngày một gia tăng.

Một số hãng hàng không không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của FAA nhưng vẫn đang xem xét cẩn trọng lời cảnh báo trên để quyết định đường bay của mình.

Hãng hàng không Singapore Airlines (SIA) ngày 8-1 ra thông báo tất cả chuyến bay của hãng này đến và đi từ châu Âu đều sẽ được chuyển hướng khỏi không phận Iran.  

“Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình và sẽ điều chỉnh phù hợp với các tuyến đường bay của chúng tôi khi cần thiết” - tuyên bố của SIA.

Hãng hàng không Singapore Airlines thông báo sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình tại khu vực Trung Đông nhằm tránh ảnh hướng đến các chuyến bay của họ. Ảnh: AFP

Theo The Guardian, động thái trên của SIA là nhằm hạn chế các mối đe dọa đối với máy bay của họ sau sự việc chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị một tên lửa của Ukraine bắn hạ vào năm 2014 khiến 298 người thiệt mạng.

Tương tự, hãng hàng không China Airlines của Đài Loan cũng tuyên bố các chuyến bay của họ sẽ tránh xa không phận của Iran và Iraq. 

Trong một diễn biến khác sau khi Iran tấn công các căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq, các quốc gia cũng lần lượt lên tiếng cảnh báo công dân của mình chuẩn bị sơ tán và tránh du lịch đến Iraq, theo PressTV.  

Các quốc gia cảnh báo và chuẩn bị sơ tán công dân tại Iraq sau vụ tấn công bằng tên lửa từ Iran. Ảnh: AFP

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ra lệnh cho quân đội nước này chuẩn bị triển khai máy bay và tàu chiến để sẵn sàng di tản các công nhân Philippines ở Iraq và Iran.

Được biết hiện có gần 1.600 người Philippines đang làm việc tại Iraq. Vì thế Bộ Ngoại giao nước này đã nâng mức cảnh báo số 4, kêu gọi sơ tán bắt buộc.

Trong khi đó, Ấn Độ ngày 8-1 đã kêu gọi công dân của mình cảnh giác và tránh du lịch hay các chuyến đi không cần thiết tới Iraq.

Vài quốc gia tham gia liên minh quân sự với Mỹ cũng lần lượt thông tin rằng binh lính của họ hiện cũng đang an toàn tại Iraq.

Trên trang Twitter, lực lượng vũ trang Đan Mạch thông tin rằng chưa có bất kỳ binh lính nước này bị thương hay thiệt mạng do vụ không kích từ Iran gây ra.  

Theo PressTV, Đan Mạch có 130 binh sĩ tại căn cứ không quân liên minh Al-Asad tại Iraq, đây cũng được xem là một căn cứ có thể là mục tiêu của các vụ tấn công.

Úc và New Zealand lần lượt nói rằng các nhà ngoại giao và lực lượng quân sự hiện vẫn trong tình trạng an toàn và cảnh giác cao độ. Hội đồng An ninh quốc gia Úc dự kiến ngày 9-1 sẽ tổ chức họp bàn về tình hình Trung Đông và vai trò của quân đội Úc tại đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm