Ông Biden công bố kế hoạch quân Mỹ ngừng tham chiến ở Iraq

Ngày 26-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi đã ký thỏa thuận chính thức chấm dứt hơn 18 năm quân Mỹ tham chiến tại quốc gia Trung Đông này, hãng tin Reuters cho hay.

Tiếp nhà lãnh đạo Iraq tại Phòng Bầu dục trong chuyến thăm đầu tiên của ông Kadhimi tới Nhà Trắng, ông Biden đã thảo luận nhiều vấn đề chiến lược trong quan hệ Mỹ-Iraq, bao gồm tương lai cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

“Vai trò của chúng tôi (Mỹ) ở Iraq sẽ là sẵn sàng, tiếp tục huấn luyện, hỗ trợ, giúp đỡ và đối phó với IS khi chúng hồi sinh nhưng vào cuối năm nay, chúng tôi sẽ không còn tham gia nhiệm vụ chiến đấu” - ông Biden nói trong cuộc họp báo chung với ông Kadhimi. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi (trái) bắt tay nhau trong Phòng Bầu dục hôm 26-7. Ảnh: REUTERS

Hiện nay, Mỹ đang đóng khoảng 2.500 quân tại Iraq với lý do chống tàn quân IS. Với thông báo hôm 26-7, mục tiêu của Mỹ đã chuyển hoàn toàn từ trực tiếp tham chiến sang huấn luyện và cố vấn cho quân đội Iraq.

Thỏa thuận này được cho là sẽ không có tác động lớn tới hoạt động của quân Mỹ tại Iraq do hoạt động huấn luyện đã được đẩy mạnh từ trước đó.

Liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã tiến vào Iraq hồi tháng 3-2003 sau khi Washington cáo buộc Tổng thống Iraq lúc bấy giờ là ông Saddam Hussein có vũ khí hóa học. Tuy nhiên, sau khi ông Hussein bị lật đổ, Mỹ thừa nhận Iraq không hề có loại vũ khí giết người hàng loạt này.

Trước cuộc họp báo của ông Biden và ông Kadhimi, một quan chức cấp cao tại Washington chia sẻ với Reuters rằng thỏa thuận chấm dứt nhiệm vụ chiến đấu không có nghĩa là Mỹ hoàn thành sứ mệnh tại Iraq. Người này nhấn mạnh rằng “mục tiêu là đánh bại IS vĩnh viễn”.

Thỏa thuận chấm dứt nhiệm vụ chiến đấu của quân Mỹ tại Iraq được công bố sau khi ông Biden xác định lại thời hạn rút quân khỏi Afghanistan - nơi quân Mỹ đã tham chiến gần 20 năm. Mỹ sẽ hoàn thành việc rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 11-9, muộn hơn mốc ngày 1-5 mà chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý với lực lượng Taliban hồi năm ngoái.

Nhiều tháng qua, lực lượng quân sự và các cơ quan ngoại giao Mỹ tại Iraq đã trở thành mục tiêu của các vụ tấn công bằng tên lửa, rocket và máy bay không người lái. Giới phân tích phương Tây nghi ngờ thủ phạm là những tổ chức dân quân do Iran hậu thuẫn.

Thủ tướng Kadhimi được coi là một người mong muốn xây dựng quan hệ thân thiện với Mỹ và hạn chế sức mạnh của các nhóm dân quân có liên hệ với Iran. Tuy nhiên, ông Kadhimi lên án việc Mỹ không kích vào các nhóm dân quân này trong khu vực dọc biên giới Iraq-Syria, gọi đây là hành vi xâm phạm chủ quyền.

Ngoài vấn đề quân sự, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iraq được cho là đã thảo luận về y tế, năng lượng và nhiều lĩnh vực hợp tác khác.

Mỹ dự kiến thông qua cơ chế chia sẻ vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu COVAX, cung cấp cho Iraq 500.000 liều vaccine do liên danh Pfizer/BioNTech sản xuất. Ông Biden nói rằng lô vaccine sẽ được chuyển tới Iraq trong vài tuần tới.

Mỹ cũng sẽ chi 5,2 triệu USD (gần 120 tỉ đồng) cho phái đoàn Liên Hợp Quốc giám sát cuộc bầu cử lập pháp ở Iraq, dự kiến được tổ chức trong tháng 10 năm nay. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm