Ngày 2-6, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thể hiện sự cảm thông và ủng hộ với làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc đang diễn ra ở nước này, theo đài CNN. Ông Biden cũng thể hiện sự phẫn nộ của mình trước Tổng thống Donald Trump và tuyên bố sẽ phá vỡ "sự ích kỷ và sợ hãi" tồn tại suốt 4 năm qua dưới nhiệm kỳ của vị tổng thống Cộng hòa này.
Ông Biden nhấn mạnh dân chủ và hạnh phúc
Trong bài phát biểu tại Philadelphia hôm 2-6, ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2020 của đảng Dân chủ đã đề cập đến vấn đề phân biệt chủng tộc, đồng cảm với người biểu tình cả nước sau khi một cảnh sát da trắng dùng gối ghè cổ một người Mỹ gốc Phi tên George Floyd đến chết ở bang Minnesota ngày 25-5.
Bài phát biểu của ông xuất hiện khoảng 16 giờ sau khi những người biểu tình ôn hòa bên ngoài công viên Nhà Trắng bị lực lượng an ninh bắn hơi cay để ông Trump có thể băng qua và đến thăm Nhà thờ St John’s Episcopal gần đó.
"Tôi sẽ không chấp nhận sự sợ hãi và chia rẽ. Tôi sẽ không thổi lên ngọn lửa hận thù. Tôi sẽ tìm cách chữa lành vết thương mà nạn phân biệt chủng tộc đã làm khổ đất nước chúng ta từ lâu đời. Tôi sẽ làm tròn bổn phận và chịu trách nhiệm của mình, tôi sẽ không đổ lỗi cho người khác " - ông Biden nói.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện sự phẫn nộ của mình trước Tổng thống Donald Trump và cam kết sẽ phá vỡ "sự ích kỷ và sợ hãi" tồn tại suốt 4 năm. Ảnh: CNN
Đây là chuyến đi đầu tiên của cựu Phó Tổng thống Biden ra khỏi bang Delaware trong suốt vài tháng gần đây, từ khi đại dịch COVID-19 hoành hành khắp nước Mỹ khiến mọi hoạt động ở quốc gia này bị đình trệ.
Với chủ đề chính của chiến dịch bầu cử là bảo vệ "linh hồn của quốc gia" đang bị đe dọa, ông Biden thể hiện rõ sự khác biệt của mình trong cách tiếp cận so với Tổng thống Trump.
Ông Trump hôm 1-6 đã kêu gọi thống đốc các bang tìm cách "thống trị" người biểu tình và chia sẻ trên trang mạng Twitter của mình sáng ngày 2-6 (giờ Mỹ) rằng "lực lượng áp đảo" đã được điều đến thủ đô Washington.
"Hãy nhìn vào nơi chúng ta đang ở hiện tại và suy nghĩ lại xem, đây có phải là nước Mỹ không? Đây có phải là kiểu người chúng ta muốn trở thành?” - ông Biden kêu gọi người Mỹ nhìn nhận lại.
"Đây có phải là những gì chúng ta muốn truyền lại cho con cháu chúng ta - chỉ toàn sự sợ hãi, giận dữ và thống trị, thay vì mưu cầu hạnh phúc? Sự bất toàn và lo lắng, tư lợi và ích kỷ? Hay chúng ta muốn nước Mỹ trở thành một quốc gia dân chủ mà trong trái tim ta biết chúng ta có thể làm được?" - vị ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ nói thêm.
Ông Biden cũng dành những lời chỉ trích gay gắt cho chuyến đi của ông Trump qua Quảng trường Lafayette đến thăm Nhà thờ St John’s Episcopal khi cảnh sát sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông đang biểu tình trong hòa bình.
Tổng thống Trump hôm 2-6 đã đến Nhà thờ St John’s Episcopal, nơi ông cầm một quyển Kinh thánh và chụp ảnh với các nhân viên và thành viên nội các nhưng không vô nhà thờ để cầu nguyện.
"Tổng thống Mỹ đã cầm một cuốn Kinh thánh tại Nhà thờ St John’s Episcopal ngày hôm qua. Tôi ước rằng ông ấy thỉnh thoảng mở nó ra thay vì chỉ vung vẩy nó để chụp hình. Nếu ông ta mở cuốn Kinh thánh ra, biết đâu ông ta có thể học được điều gì đó thì sao" - cựu Phó Tổng thống Mỹ châm biếm hành động của ông Trump.
Cả ông Biden và ông Trump đều điện thoại cho gia đình ông Floyd
Những lời phát biểu của ông Biden diễn ra khi nước Mỹ đang gặp vô vàn khó khăn, sau 7 ngày biểu tình liên tục chưa chấm dứt ở một đất nước vẫn chưa hồi phục lại do những ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và số lượng người mất việc làm tăng vọt những tháng qua, theo đài CNN.
Đây là chuyến đi đầu tiên của ông Biden ra khỏi bang Delaware suốt vài tháng gần đây, sau khi đại dịch COVID-19 hoành hành khắp nước Mỹ. Ảnh: CNN
Ông Biden cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ xem xét đồng thuận với những gì ông nói sẽ là "công việc của cả một thế hệ" trong việc loại bỏ tình trạng phân biệt chủng tộc, bao gồm cả việc ra mắt một ủy ban giám sát cảnh sát quốc gia nếu ông giành chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới.
Cựu Phó Tổng thống Biden nói các nhà lập pháp nên ngừng việc chuyển các loại "vũ khí chiến tranh" cho các sở cảnh sát, đồng thời tăng cường giám sát và trách nhiệm của lực lượng cảnh sát Mỹ.
"Đã đến lúc chúng ta thông qua những luật pháp sẽ mang lại ý nghĩa thực sự cho lời hứa bảo vệ công lý theo pháp luật của chúng ta" - ông Biden nói.
Ông Biden trực tiếp nhắc đến vụ việc cảnh sát Mỹ siết giết George Floyd, gọi đó là "lời cảnh tỉnh cho nước Mỹ". Ảnh: CNN
Hành động và lời nói của ông Biden thể hiện sự trái ngược hoàn toàn với Tổng thống Trump trong những ngày gần đây.
Cả hai nhà lãnh đạo đều đã nói chuyện với gia đình của nạn nhân George Floyd qua điện thoại. Theo lời anh trai của Floyd - anh Philonese Floyd kể lại với đài CNN, cuộc nói chuyện của anh với ông Trump là "rất ngắn gọn" trong khi cựu Phó Tổng thống Mỹ lại "nói chuyện với tôi liên tục”.
"Tôi thích cuộc trò chuyện với ông ấy" - anh trai nạn nhân Flyod nói về ông Biden.
Hôm 1-6, trong khi ông Trump thúc giục các thống đốc tìm cách "thống trị" dòng người biểu tình, cựu Tổng thống Biden đã tổ chức một cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở Wilmington và một cuộc thảo luận online với các thị trưởng các thành phố đang diễn ra biểu tình và bạo động như Atlanta, Chicago, Los Angeles và Minnesota.
Ông Biden cũng trực tiếp nhắc đến vụ việc cảnh sát Mỹ siết giết George Floyd, gọi đó là "lời cảnh tỉnh cho nước Mỹ" khi ông bắt đầu bài phát biểu của mình.
"Tôi không thể thở. Tôi không thể thở. Đó là những lời cuối cùng của George Floyd, nhưng chắc chắn rằng chúng sẽ không biến mất đi khi George qua đời. Những lời nói ấy vẫn được lắng nghe và đang vang vọng khắp đất nước này” - ông Biden khẳng định
“Những người biểu tình đang lên tiếng thay cho một quốc gia mà việc bạn là người da màu cũng khiến bạn gặp nguy hiểm. Họ lên tiếng thay cho một quốc gia hơn 100.000 người đã mất mạng vì nạn dịch và 40 triệu người Mỹ đang thất nghiệp - với một số lượng mà tôi biết rằng không bằng một phần số người da đen và dân tộc thiểu số chịu khổ cực ở Mỹ nhiều năm qua. Họ cũng đại diện cho hàng triệu người đang phải thốt lên mỗi ngày rằng ‘Tôi không thể thở được’ - không phải do tính mạng của họ bị ảnh hưởng mà là do cuộc sống không công bằng đè nặng áp lực lên họ” - Cựu Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.