“Chúng tôi sẵn sàng thảo luận vấn đề này mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào nhưng người Mỹ vẫn chưa trả lời”, trang tin Khabar Online ngày 10-5 dẫn lời ông Ali Rabiei, phát ngôn viên của chính phủ Iran, cho biết.
“Chúng tôi hy vọng rằng do sự bùng phát của bệnh COVID-19 đe dọa cuộc sống của công dân Iran trong các nhà tù Mỹ, chính phủ Mỹ cuối cùng sẽ chọn sinh mạng hơn là chính trị”.
Ông Rabiei cho biết Tehran cho rằng Washington phải chịu trách nhiệm về sức khỏe của các tù nhân Iran, đồng thời nói thêm rằng “có vẻ như Mỹ đã sẵn sàng hơn để xử lý dứt điểm tình hình”.
Ông Ali Rabiei, phát ngôn viên của chính phủ Iran. Ảnh: IRNA
Phát ngôn viên Iran không nói rõ nhưng truyền thông nước này trong những tháng gần đây cho biết có một số người Iran đang bị Mỹ giam giữ, bao gồm ông Sirous Asgari - một giáo sư đại học 60 tuổi.
Một quan chức cấp cao của Mỹ, người không được ủy quyền để thảo luận công khai vấn đề này và phát ngôn trong điều kiện giấu tên, cho biết: “Không có đề nghị đàm phán trực tiếp nào”.
Hồi tuần trước, các quan chức Mỹ cho biết họ đang đạt được tiến bộ trong nỗ lực nhằm bảo đảm việc phóng thích ông Michael White, một cựu chiến binh hải quân Mỹ bị giam giữ ở Iran. Tuy nhiên, họ cũng bác bỏ các thông tin của Iran rằng một cuộc trao đổi tù bình đang được xúc tiến, theo đài Al-Jazeera.
Trong một hành động hợp tác hiếm hoi, Mỹ và Iran đã tiến hành một cuộc trao đổi tù nhân vào cuối năm 2019. Khi đó, sinh viên Mỹ Xiyue Wang, người bị Iran giam giữ ba năm vì tội gián điệp đã được thả để đổi lấy việc phóng thích nhà nghiên cứu tế bào gốc Iran Massoud Soleimani, người bị buộc tội vi phạm các biện pháp trừng phạt của Washington nhằm vào Tehran.
Việc trao đổi được thực hiện vào tháng 12 năm ngoái với sự hỗ trợ của chính phủ Thụy Sĩ, Al-Jazeera cho hay.
“Không cần một nước thứ ba làm trung gian giữa Iran và Mỹ để trao đổi tù nhân” - ông Rabiei nói với Khabar Online hôm 10-5.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã leo thang kể từ năm 2018 khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký hồi năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc thế giới bao gồm Mỹ.
Kể từ đó, Washington đã tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Tehran như một phần của chiến dịch gây “áp lực tối đa” nhằm buộc chính phủ Iran quay trở lại bàn đàm phán để thảo luận về một thỏa thuận mới vốn sẽ bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã làm tê liệt nền kinh tế Iran, gây ra các cuộc biểu tình trên toàn quốc vào tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã bác bỏ khả năng tiến hành các cuộc đàm phán mới với Washington khi Tổng thống Trump còn chưa dỡ bỏ lệnh trừng phạt.