Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố một tài liệu phản bác chỉ trích và cáo buộc của Mỹ nhắm vào Trung Quốc liên quan đến đại dịch COVID-19, đài CGTN đưa tin.
Ngày 9-5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đăng tải trên trang web của cơ quan này nội dung tóm tắt của tài liệu. Theo đài ABC News, tập tài liệu gốc dày 30 trang và có dung lượng khoảng 11.000 từ.
Trụ sở Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: NHÂN DÂN NHẬT BÁO
Tài liệu liệt kê ra 24 cáo buộc "hoang đường và dối trá không thể tin nổi" của "một số chính trị gia và nền truyền thông Mỹ" về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 (gây dịch COVID-19), về sự minh bạch thông tin dịch bệnh của Bắc Kinh và về "sự thao túng" Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Phòng thí nghiệm ở Vũ Hán không có năng lực tạo ra SARS-CoV-2
Đầu tiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc viện dẫn các thông lệ về đặt tên dịch bệnh của WHO để nhấn mạnh SARS-CoV-2 không phải là "virus Trung Quốc" hay "virus Vũ Hán".
Về nguồn gốc dịch bệnh, Bắc Kinh cho rằng việc TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) là nơi đầu tiên phát hiện ca bệnh không có nghĩa là nguồn gốc của virus là ở Vũ Hán. Câu trả lời thực sự cho câu hỏi này vẫn là "chưa rõ".
Đồng thời, tài liệu nhắc lại rằng SARS-CoV-2 đã được chứng minh không phải là một sản phẩm sinh học do con người tạo ra. Phòng thí nghiệm của Viện virus học Vũ Hán - được nhấn mạnh là "một dự án hợp tác của chính phủ Trung-Pháp" - cũng "không có khả năng phát triển và sản xuất" virus tương tự SARS-CoV-2.
Trung Quốc là nạn nhân của việc đưa tin sai lệch
Trung Quốc khẳng định luôn công bố thông tin dịch bệnh một cách "cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm", không có chuyện che giấu, đưa tin sai lệch, báo cáo chậm trễ hay báo cáo không đúng mức tình hình dịch bệnh. Thậm chí Trung Quốc nhắc lại rằng mình là "nạn nhân của việc đưa tin sai lệch".
Tài liệu cũng điểm lại những hành động "dứt khoát và quyết định" của hệ thống chính trị Trung Quốc và phủ nhận cáo buộc rằng "hệ thống chính trị Trung Quốc là gốc rễ vấn đề".
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (trái) hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong chuyến công tác của WHO đến Trung Quốc hồi tháng 1. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Về WHO và quan hệ Trung Quốc-WHO, tài liệu cho biết Bắc Kinh "ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương" và "chưa bao giờ thao túng WHO". Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhắc lại tuyên bố trước đó của WHO rằng Đài Loan không cảnh báo về tình trạng lây nhiễm từ người sang người, mà chỉ mong muốn có thêm thông tin về dịch bệnh.
Mánh khóe chính trị của các chính khách Mỹ
Trung Quốc cũng phản bác yêu cầu phải chịu trách nhiệm vì đã gây ra đại dịch, cho rằng không có cơ sở pháp lý cho yêu cầu đó và những tuyên bố của Mỹ chỉ là "mánh khóe" của một số chính trị gia Mỹ.
Trung Quốc cũng nỗ lực hỗ trợ các quốc gia khác chống dịch, tương tự như cách các nước đã hỗ trợ Bắc Kinh trong giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát. Đồng thời, các cơ quan chức năng đã nỗ lực kiểm soát chất lượng sản phẩm y tế xuất khẩu, viện trợ cho nước khác.
Tài liệu cũng phủ nhận cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 và cho rằng cáo buộc này là "thủ đoạn bôi nhọ" của các chính khách Mỹ vì mục đích chính trị.
Ngoài ra, tài liệu cũng phản bác một số cáo buộc liên quan đến BS Lý Văn Lượng - người đầu tiên cảnh báo về đại dịch COVID-19, về hoạt động buôn bán động vật hoang dã ở Trung Quốc và về một số cáo buộc khác.
Đây là phản ứng mới nhất của Trung Quốc trước những cáo buộc liên tục và mạnh mẽ của Mỹ và các quốc gia đồng minh. Cùng với các bê bối về chất lượng vật tư y tế, các cáo buộc của Mỹ đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ giữa Bắc Kinh và phương Tây.