Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi một lá thư tới Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hối thúc các thành viên khối này tham gia lệnh tạm hoãn của Nga về triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở châu Âu. Tuy nhiên, NATO từ chối, nói rằng Moscow đã sản xuất những vũ khí như vậy.
Theo Tân Hoa xã, thông tin trên được điện Kremlin tiết lộ hôm 26-9.
“Tổng thống Putin tiếp tục các nỗ lực ngăn chặn sự gia tăng căng thẳng và bất ổn tình hình về an ninh toàn cầu và ổn định trong trường hợp triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung, những vũ khí từng bị cấm”, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói với báo giới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS
Nhật báo Kommersant của Nga ngày 25-9 dẫn các nguồn tin riêng cho hay Tổng thống Nga Putin cũng gửi những thông điệp này tới những quốc gia không nằm trong NATO, cụ thể là Trung Quốc. Bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhận được lá thư của nhà lãnh đạo Nga, theo Kommersant.
Thư cho biết Nga sẵn sàng thảo luận “nhiều biện pháp thẩm tra bổ sung” với NATO để đảm bảo lệnh cấm được ủng hộ bởi tất cả các bên, theo RT.
NATO đáp trả rằng đề xuất của ông Putin “phớt lờ thực tế”. Khối quân sự phương Tây khẳng định rằng tên lửa hành trình 9М729 (SSC-8) được triển khai ở vùng Kaliningrad của Nga, giáp biên giới Ba Lan và Lithuania, đã vi phạm các điều khoản của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Moscow phải “phá hủy có thể kiểm chứng được” những tên lửa này thì các cuộc đối thoại về lệnh cấm mới có thể bắt đầu, NATO tuyên bố.
Nga nhiều lần nói rằng tầm bắn của tên lửa 9М729 dưới 500 km và chỉ ra rằng các đối tác phương Tây chưa bao giờ giải thích việc họ làm thế nào đi đến kết luận tên lửa 9M729 vi phạm INF.
Tên lửa 9M729 của Nga. Ảnh: SPUTNIK
Hiệp ước INF, cấm các tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500-5.500 km ở châu Âu, do Nga và Washington ký năm 1987. Hiệp ước này là nền tảng của an ninh châu Âu trong nhiều thập niên. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận, Nga cũng tuyên bố từ bỏ INF. Dù vậy, ông Putin sớm thông báo cấm sản xuất những vũ khí bị cấm trong hiệp ước cho tới khi Mỹ triển khai những vũ khí này trước. INF chính thức bị xé bỏ hồi đầu tháng 8.
Chính phủ Pháp ngày 26-9 cho hay nước này đang phân tích đề xuất đối với các nước NATO của Tổng thống Nga Putin về đạt được một lệnh cấm triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở châu Âu.
“Chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất của Nga về vấn đề mang tính quan trọng này”, Bộ Ngoại giao Pháp nói, theo trang tin Prensa Latina.
Đề xuất của Tổng thống Nga Putin giới thiệu một lệnh cấm triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở châu Âu và những khu vực khác nhằm tăng cường an ninh toàn cầu và duy trì hòa bình, chuyên gia an ninh Vladimir Bacisin của Slovakia, người đứng đầu viện chính sách quốc tế Comenius Analytica nói với hãng tin TASS hôm 26-9.
“Sáng kiến của Tổng thống Nga vô cùng kịp thời. Đề xuất của nhà lãnh đạo Nga nhằm tăng cường an ninh toàn cầu nói chung và đảm bảo hòa bình lâu dài ở châu Âu nói riêng. Tôi tin bất kỳ người biết lý lẽ nào cũng hoan nghênh sáng kiến này” - ông Bacisin nhấn mạnh.
Chuyên gia Slovakia nói rằng ông tự tin các nhà lãnh đạo của những quốc gia nhận được lá thư của ông Putin sẽ phản hồi tích cực.
“Chúng ta rất cần một giai đoạn mới giải trừ vũ khí toàn cầu. Một cuộc đối thoại liên quốc gia mang tính xây dựng về các vấn đề an ninh là cần thiết. Nếu không có cuộc đối thoại này, khả năng cao “chiến tranh lạn 2.0” ở châu Âu bùng nổ và phát triển thành giai đoạn chông gai hơn. Việc thực thi sáng kiến của Tổng thống Nga sẽ giúp đáng kể cắt giảm và loại trừ những nguy cơ này”, ông Bacisin nói.
Mỹ thử tên lửa hành trình tầm trung phóng từ mặt đất hồi tháng 8 sau khi rút khỏi thỏa thuận INF. Ảnh: DW
Bình luận về việc NATO bác đề xuất của phía Nga, ông Mikhail Khodarenok, đại tá lực lượng không quân về hưu và là cây bút quân sự của RT nói rằng những ngôn từ sáo rỗng hay những đề xuất không thể chấp nhận được là phản ứng duy nhất mà Moscow có thể mong chờ từ NATO.
Theo ông, NATO và Mỹ sẽ chỉ “lắng nghe người nào đó có quyền lực ngang hàng” và Nga chưa có điều đó.
“Nói chuyện với NATO về lệnh cấm đó thật vô ích vì Mỹ đưa ra mọi quyết định trong khối”, Viktor Murakhovsky, chuyên gia quân sự và tổng biên tập của tạp chí Arsenal of the Fatherland nói với RT.
Ông Murakhovsky chỉ ra khi từ chối đề xuất của ông Putin, NATO chỉ lặp lại những tuyên bố mà Mỹ đã dùng để biện minh cho việc họ rút khỏi INF.