Cho tới gần đây, phần lớn quan chức chính phủ Mỹ vẫn cho rằng Iran dù vẫn tiếp tục ủng hộ các lực lượng dân quân Ả Rập trong khu vực nhưng không tìm kiếm một cuộc chiến với Mỹ.
Tới ngày 3-5 thì có thay đổi trong đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ về mức độ đe dọa từ Iran dựa theo các thông tin tình báo mới. Và theo các nguồn tin quan chức Mỹ nói với báo The New York Times, việc Mỹ gia tăng cảnh báo về đe dọa của Iran xuất phát từ một số bức ảnh một số tàu Iran chở tên lửa di chuyển ở Vịnh Ba Tư mà tình báo Mỹ thu thập được.
Các hình ảnh cho thấy các tên lửa đã được lắp ráp toàn diện, gây lo ngại Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran có thể bắn chúng vào các tàu hải quân của Mỹ trong khu vực.
Tình báo Mỹ: Iran đang huy động lực lượng
Các quan chức tình báo Mỹ đã giải mật một bức ảnh chụp một tên lửa Iran được triển khai trên một con tàu dạng nhỏ của Iran - còn gọi là thuyền buồm Ả Rập- ở Vịnh Ba Tư. Tên lửa này có đầy đủ chức năng hoạt động. Bộ Quốc phòng chưa công bố hình ảnh này. Một số hình ảnh khác vẫn đang trong tình trạng mật, chụp cảnh nhiều vệ binh cách mạng Iran đưa một số tên lửa đạn đạo tầm ngắn lên một số tàu tại một số cảng Iran. Các tàu này thuộc quyền kiểm soát của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran.
Iran thử tên lửa đạn đạo dẫn đường. Ảnh: THE JERUSALEM POST
Nói với The New York Times, các nguồn tin quan chức Mỹ cho rằng các bức ảnh cho thấy Iran đang huy động lực lượng, và điều này đặt tàu chiến, căn cứ, và tàu thương mại Mỹ trong khu vực vào rủi ro.
Thêm nữa, gần đây Mỹ có thu thập được thông tin đối thoại giữa Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran và các nhóm dân quân nước ngoài bàn về khả năng tấn công lính Mỹ và các nhà ngoại giao Mỹ ở Iraq. Bản thân những cuộc đối thoại này không mới, nhưng các cuộc bàn bạc thời điểm này lại được tổ chức với tần suất dày bất thường và có cả thông tin chi tiết về việc đánh vào các mục tiêu Mỹ.
Tướng Mohammad Bagheri – Tư lệnh Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran- và Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại thủ đô Tehran (Iran) tháng trước. Ảnh: EPA
Phản ứng với các thông tin này, Bộ Tư lệnh miền Trung của quân đội Mỹ (CENTCOM) đã yêu cầu Mỹ triển khai đội tàu sân bay tấn công USS Abraham và một lực lượng máy bay ném bom B-52 đến Vịnh Ba Tư, gia cố thêm lực lượng phòng vệ mà theo nhiều quan chức Mỹ thì vốn có phần mỏng manh hơn sau các đợt giảm quân vừa qua của Mỹ. Ngày 5-5, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton thông báo đội tàu sân bay USS Abraham Lincoln sẽ đến Vịnh Ba Tư sớm hơn dự kiến.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15-5 chỉ đạo sơ tán một phần nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad (Iraq) và tại Lãnh sự quán Mỹ ở TP Erbil, thủ phủ khu vực người Kurd ở Iraq. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chia sẻ các chi tiết tình báo với các lãnh đạo Iraq khi ông bất ngờ sang thăm nước này ngày 7-5. Tuy nhiên các quan chức Mỹ cho biết ông Pompeo không chia sẻ với phía Iraq các thông tin quan trọng vì lo ngại có tình báo Iran trà trộn trong các cơ quan chính phủ Iraq.
Nội bộ Mỹ tranh cãi mức độ đe dọa từ Iran
Trong một bài viết cuối tuần rồi, báo The New York Times cho biết đang có sự không thống nhất trong nội bộ chính quyền Trump – Nhà Trắng, Bộ Quốc phòng, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) – và các đồng minh Mỹ trong đánh giá mức độ đe dọa của Iran.
Vũ khí Iran được trưng bày ở thủ đô Tehran tháng 2-2019. Ảnh: AFP
Theo quan điểm của Cố vấn Bolton và Ngoại trưởng Pompeo thì nếu kết hợp với các thông tin tình báo khác, những hình ảnh tên lửa này có thể cho thấy Iran đang chuẩn bị tấn công Mỹ.
Tuy nhiên nhiều quan chức chính phủ Mỹ cũng như nhiều thành viên lưỡng đảng tại Hạ viện cũng như nhiều đồng minh châu Âu, Iraq cho rằng các động thái này của Iran chủ yếu để phòng vệ trước điều mà Iran cho là “hành động khiêu khích” từ phía Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Đại sứ quán Mỹ ở Iraq đầu năm nay. Quyết định sơ tán một phần nhân viên tại Đại sứ quán gia tăng thêm căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Ảnh: GETTY IMAGES
Thêm nữa, nhiều nghị sĩ Mỹ phàn nàn việc họ không được thông báo về những hình ảnh tên lửa Iran cũng như các thông tin tình báo liên quan đến Iran càng làm tăng tính không tin tưởng đối với đội ngũ an ninh quốc gia của ông Trump. Trong một cuộc họp kín với các hạ nghị sĩ Dân chủ, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi chỉ trích việc thiếu minh bạch về tình báo của chính phủ Trump, The New York Times dẫn thông tin từ một trợ lý đảng Dân chủ. Bà Pelosi cũng nói rõ chính quyền Trump cần tham vấn Quốc hội trước khi có bất kỳ hành động nào.
Chủ tịch Hạ viện Pelosi lên tiếng vài giờ sau khi Mỹ sơ tán nhân viên ngoại giao ở Iraq theo lệnh Ngoại trưởng Pompeo. Theo một quan chức cấp cao Mỹ, việc Mỹ sơ tán nhân viên ngoại giao ở Iraq là sự phản ứng thái quá với thông tin tình báo và có thể gây nguy hiểm hơn cho nhân viên ngoại giao thay vì an toàn.
Ngày 14-5, thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio – thành viên Ủy ban Các quan hệ Đối ngoại Thượng viện và Ủy ban Tình báo Thượng viện nói ông không muốn chiến tranh với Iran.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện - Thượng nghị sĩ Chuck Schumer đều lên tiếng về việc thiếu minh bạch trong nội bộ chính quyền Trump về các đe dọa mới từ Iran. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer – lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện cho rằng chính quyền Trump sai lầm trong cách tiếp cận Iran. Ý ông Schumer nói đến một bài báo trước đó của The New York Times rằng Bộ Quốc phòng Mỹ có kế hoạch gửi 120.000 lính Mỹ đến Trung Đông nếu tình trạng thù địch với Iran leo thang thêm nữa.
Ông Trump không muốn chiến tranh với Iran
Báo The Washington Post đưa tin Tổng thống Trump đang xung đột với một số cố vấn cấp cao quanh cách tiếp cận với Iran. Cụ thể, ông Trump tức giận và bực bội với việc nhiều cố vấn hàng đầu bao gồm ông Bolton “lên kế hoạch giống như chiến tranh” với Iran. Ông Trump lo ngại Mỹ có thể bị lôi kéo vào tình thế đối đầu quân sự với Iran, thay vì theo đuổi ngoại giao để giảm căng thẳng.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Garrett Marquis bác bỏ thông tin của The Washington Post, cho rằng bài báo “không phản ánh đúng thực tế”.
Bản thân ông Trump cũng nói không có bất kỳ tranh cãi nào trong chính phủ của ông về chính sách Iran.
“Có những quan điểm khác nhau được đưa ra, và tôi là người có quyết định sau cùng – một tiến trình rất đơn giản. Tất cả các bên, các quan điểm, các chính sách đều được tính đến. Tôi chắc chắc Iran sẽ sớm muốn đối thoại” – ông Trump viết trên Twitter ngày 15-5.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) nói với Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan (trái) rằng ông không muốn chiến tranh với Iran. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Về phần đồng minh, ngày 13-5, một sĩ quan quân đội cấp cao của Anh – Phó Tư lệnh liên quân quốc tế đánh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ dẫn đầu nói ông không thấy gia tăng rủi ro gì cả từ Iran.
Binh sĩ từ Đức và Hà Lan được rút đi từ các căn cứ ở Iraq. Nhằm tránh dính líu vào xung đột với Iran có thể xảy đến, nhiều quan chức quốc phòng Iran đã cho rút một tàu khu trục – vốn tham gia đội tàu sân bay tấn công của Mỹ đang di chuyển về Vịnh Ba Tư.