Theo hãng tin Sputnik, chính phủ trung tả Phần Lan, đứng đầu là đảng Dân chủ xã hội đã lên án chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, cam kết ngừng tất cả hoạt động xuất khẩu vũ khí sang Ankara.
Chỉ ba tuần trước, chính phủ Phần Lan phê duyệt xuất khẩu máy bay không người lái cho Thổ Nhĩ Kỳ. Giờ đây, Helsinki chấm dứt tất cả hoạt động xuất khẩu vũ khí và lên án mạnh mẽ các hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ.
“Tình hình nghiêm trọng. Đối với trách nhiệm của riêng tôi, tôi lưu ý những điều sau: Phần Lan không xuất khẩu vật liệu quốc phòng cho những quốc gia tiến hành chiến tranh hoặc vi phạm các quyền con người. Không có giấy phép xuất khẩu vũ khí nào từ Phần Lan sẽ được cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ trong thời điểm hiện nay” - Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen nói.
Khói bốc lên từ TP Ras al-Ain, Syria khi các lốp xe bị đốt để ngăn các máy bay không người lái quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Anadolu
Chính phủ Phần Lan cũng phát đi một thông cáo báo chí lên án chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và yêu cầu hủy chiến dịch này.
“Phần Lan ủng hộ tuyên bố của Ủy ban châu Âu do ông Jean-Claude Juncker đưa ra, kêu gọi các biện pháp chấm dứt” - thông cáo báo chí cho biết.
Theo chính phủ Phần Lan, không có giải pháp quân sự nào có thể giải quyết xung đột ở Syria; và các biện pháp của Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây nguy hiểm cho những thành tựu đã đạt được trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
“Các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng vốn đã phức tạp ở Syria. Chúng tôi rất lo ngại về những tác động mà những biện pháp này có thể đem lại về tình hình nhân đạo ở Syria” - Thủ tướng Phần Lan Antti Rinne nói trong thông cáo báo chí.
Ông Rinne nói thêm cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khơi mào một cuộc khủng hoảng tị nạn mới và kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tăng cường chuẩn bị. Ông Rinne cũng xác nhận Phần Lan sẽ dừng xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 2017, Phần Lan xuất khẩu vũ khí sang tổng cộng 77 quốc gia khác nhau với số tiền gần 200 triệu USD. Hầu hết vũ khí được bán cho Ba Lan, trong đó có các phương tiện khác nhau, kể cả xe thiết giáp Patria.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên như một đối tác hàng đầu của Phần Lan với các hợp đồng vũ khí trị giá gần 15 triệu USD.
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo khi binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu Chiến dịch mùa xuân hòa bình ở miền bắc Syria. Ảnh: Anadolu
Năm ngoái, Phần Lan quyết định không cấp giấy phép mới cho xuất khẩu vũ khí sang Saudi Arabia khi nước này phát hiện các phương tiện được bán cho Saudi Arabia đang được sử dụng trong cuộc khủng hoảng ở Yemen.
Hôm 9-10, Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự mang tên “Chiến dịch mùa xuân hòa bình” ở miền bắc Syria nhằm đánh bật lực lượng người Kurd. Ankara tuyên bố chiến dịch này nhằm “dọn sạch” khu vực biên giới của những kẻ khủng bố và lập ra một vùng an ninh.
Thượng viện Mỹ ra dự luật áp trừng phạt khắc nghiệt đối với Thổ Nhĩ Kỳ
Thượng viện Mỹ ngày 9-10 nói rằng đang hoàn thiện một dự luật lưỡng viện sẽ áp đặt trừng phạt khắc nghiệt vào Thổ Nhĩ Kỳ vì chiến dịch quân sự nước này phát động ở Syria đánh người Kurd, theo Sputnik.
Trong các biện pháp hạn chế mà các thượng nghị sĩ Mỹ giới thiệu ngày 9-10 có lệnh cấm visa đối với giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, ngay trước thềm diễn ra chuyến thăm Washington của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan; áp các lệnh trừng phạt nhằm vào các thực thể nước ngoài hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong lĩnh vực quân sự và năng lượng.
Các đồng minh nổi dậy của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria chuẩn bị đi tới tiền tuyến Manbij trước khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch. Ảnh: Anadolu
Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham và Chris Van Hollen là người soạn thảo dự luật này.
Dự luật cũng dự tính loại bỏ miễn trừ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ liên quan việc nước này mua hệ thống phòng không S-400 của Nga chiếu theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
“Xác định việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 là một giao dịch quan trọng theo điều khoản 231 của CAATSA… Việc thực thi các lệnh trừng phạt có trong CAATSA phải diễn ra trong vòng 180 ngày, kể từ ngày chỉ định việc mua này là quan trọng” - dự luật viết.
Vài giờ trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ đề xuất áp trừng phạt vào Thổ Nhĩ Kỳ vì chiến dịch quân sự của nước này ở miền bắc Syria.
EU lên án và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ dừng chiến dịch, bày tỏ nghi ngờ về mục tiêu thiết lập vùng an toàn mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói rằng Ankara đừng mong đợi EU sẽ trả đồng tiền nào cho khu vực này, theo đài RT. Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đánh giá tình hình một cách toàn diện để các hành động của Ankara không phá hủy tiến trình hòa bình ở Syria. Pháp và Anh đã kêu gọi một cuộc họp bất thường của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để đánh giá tình hình Syria vào ngày 10-10. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói rằng các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đang gây nguy hiểm cho an ninh của liên minh chống IS và các nỗ lực nhân đạo. Trong khi đó, Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok lên án chiến dịch và triệu tập phái viên của Ankara về vấn đề này. Ai Cập hối thúc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngăn mọi nỗ lực chiếm đóng lãnh thổ Syria, kêu gọi một cuộc họp khẩn của Liên đoàn Ả Rập. Các nước Saudi Arabia, Bahrain, Iran và các quốc gia khác cũng có phản ứng tương tự. |