Theo đó, báo The Japan Times dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana ngày 5-3 nhận định Mỹ có nhiều khả năng dính vào một “cuộc chiến vũ trang” ở Biển Đông hơn so với Philippines, nhưng quốc gia Đông Nam Á này sẽ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột như vậy do Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau mà Manila đã ký với Washington hồi năm 1951.
Bộ trưởng Lorenzana cho biết thêm hiệp ước trên cần được kiểm tra lại để xóa bỏ sự mơ hồ vốn có thể gây ra tình trạng hỗn loạn và nhầm lẫn trong một cuộc khủng hoảng.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại cuộc gặp với Tổng thống Philippines Duterte. Ảnh:THE NEW YORK TIMES
Đề xuất của Philippines về việc đánh giá lại hiệp ước là một trong những chủ đề quan trọng khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp Tổng thống Rodrigo Duterte và các quan chức khác trong chuyến thăm chớp nhoáng Manila hồi tuần trước.
Hiệp ước trên kêu gọi Mỹ và Philippines bảo vệ nhau trước một cuộctấn công từ bên ngoài. Trước đây, Philippines đã cố gắng làm rõ liệu hiệp ước có được áp dụng hay không nếu lực lượng của họ bị tấn công ở khu vực tranh chấp như Biển Đông, nơi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền phi lý với gần như toàn bộ diện tích.
Trong chuyến thăm tuần qua, ông Pompeo đã cam kết với Philippines trong chuyến thăm của mình rằng Mỹ sẽ bảo vệ các lực lượng, máy bay hoặc tàu của Philippines bị tấn công vũ trang ở Biển Đông.
Quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng cam kết đảm bảo Biển Đông vẫn để mở cho tất cả các kiểu giao thông hàng hải và rằng “Trung Quốc không đặt ra mối đe dọa” đối với việc phong tỏa các tuyến đường biển tranh chấp.
Ông Lorenzana cho biết các lực lượng Mỹ, vốn đã đẩy mạnh các hoạt động tự do hàng hải tuần tra trên tuyến đường biển chiến lược này, “nhiều khả năng sẽ can dự vào một cuộc xung đột vũ trang hơn so với Philippines mà ông dự đoán sẽ không tham gia cùng bất kỳ quốc gia nào trong một cuộc chiến tại các lãnh thổ tranh chấp.
“Mỹ, với việc tăng cường và thường xuyên đưa tàu hải quân đi qua Biển Tây Philippines (cách gọi Biển Đông của Philippines – NV), nhiều khả năng có thể can dự vào một cuộc chiến đấu súng”, ông Lorenzana nói trong một tuyên bố.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana. Ảnh: MANILA BULLETIN
“Trong trường hợp như thế và trên cơ sở Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau, Philippines sẽ tự động tham gia”, Bộ trưởng Philippines nói tiếp. “Đó không phải vì sự thiếu đảm bảo khiến tôi lo lắng. Đó là việc can dự vào một cuộc chiến mà chúng tôi không tìm kiếm và không muốn”.
Các tranh chấp lãnh thổ kéo dài ở Biển Đông là một vấn đề khó chịu giữa Washington và Bắc Kinh, vốn đã ngang nhiên bồi đắp một số rạn san hô tranh chấp thành các đảo có đường băng và các cơ sở quân sự khác. Mỹ đã khẳng định giải quyết hòa bình các tranh chấp và tự do hàng hải và hàng không trong các khu vực tranh chấp nằm trong lợi ích quốc gia của Washington.
Ông Salvador Panelo, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, hôm 5-3 cho biết Bộ Quốc phòng nước này đang kiểm tra thông tin các tàu Trung Quốc đã chặn ngư dân Philippines tiếp cận các bãi cát gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa.
Cũng trong ngày 5-3, trang tin ABS-CBN dẫn lời quân đội Philippines cho biết họ không nhận được các báo cáo nói ngư dân Philippines đang bị các tàu Trung Quốc ngăn đánh cá hoặc tiếp cận các bãi cát trên đảo Thị Tứ. Theo Phó Đô đốc Rene Medina, Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân đội phía Tây Philippines cho hay họ lại nhận được thông tin rằng các ngư dân Philippines có thể câu cá xung quanh khu vực cũng như nghỉ ngơi và lưu trú ở các bãi cát trên đảo Thị Tứ.
Đảo Thị Tứ là một ngư trường lớn với nhiều tiềm năng. Ngoài ra, giới quan sát cho rằng hòn đảo này có vị trí địa chiến lược quan trọng đối với tuyến hàng hải quốc tế. Dù Việt Nam có đủ bằng chứng để tuyên bố chủ quyền đầy đủ với đào này, nhưng thời gian qua nơi đây do Philippines chiếm đóng trái phép.
Theo ông Lorenzana, Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau giữa Philippines và Mỹ lẽ ra nên được xét lại từ năm 1992, khi các căn cứ quân sự lớn của Mỹ bị đóng cửa ở nước này và Philippines mất “chiếc ô an ninh”.