Tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei và hơn 60 công ty con vào danh sách đen, nghĩa là phải có giấy phép đặc biệt để mua linh kiện từ các công ty Mỹ.
Tuần trước, ông Trump nói đã có một cuộc trò chuyện rất tích cực qua điện thoại với Chủ tịch Tập Cận Bình các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục trước khi hai người gặp nhau vào cuối tuần này tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) ở Osaka, Nhật Bản.
Không rõ liệu Huawei có được nhắc đến trong cuộc gọi của họ hay không, nhưng tổng thống nói công ty viễn thông này sẽ là một trong những chủ đề đàm phán giữa hai bên. Lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer là một trong những tiếng nói kêu gọi Mỹ phải “rắn” với ông lớn viễn thông.
“Các công ty viễn thông Trung Quốc như Huawei và ZTE tạo ra nguy cơ về an ninh quốc gia. Đó là lý do tại sao Quốc hội cấm các cơ quan chính phủ và nhà thầu của Mỹ sử dụng công nghệ của Huawei”, ông Schumer nói. “Tổng thống Trump cần làm rõ với Trung Quốc rằng Mỹ nghiêm túc đối với mối đe dọa này và sẽ không dùng an ninh quốc gia để đem ra thương lượng”.
Năm ngoái, ông Trump đã đảo ngược lệnh cấm tương tự đối với ZTE, đối thủ của Huawei theo yêu cầu của ông Tập. So với ZTE, Huawei quan trọng với Bắc Kinh hơn rất nhiều, và chắc chắn mục tiêu hàng đầu của ông Tập sẽ là dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với ông lớn công nghệ này.
Ông Trump trong một cuộc họp nội các tại Nhà Trắng. Ảnh: The Globe and Mail
“Không chỉ vì quy mô hoạt động kinh doanh toàn cầu, mà về mặt biểu tượng, Huawei đại diện cho mong muốn của chính quyền Bắc Kinh muốn đưa Trung Quốc trở thành một siêu cường về không gian mạng”, ông Samm Sacks, Chuyên viên về Chính sách an ninh mạng và kinh tế kỹ thuật số Trung Quốc tại New America, nói.
Trong những tuần gần đây, xu hướng chống Trung Quốc tại Quốc hội Mỹ đã tăng lên. Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Mark Warner - hai thành viên của Ủy ban Tình báo - đã gửi thư cho Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Ngoại trưởng Mike Pompeo trong tháng này, cảnh báo không sử dụng Huawei để thương lượng. Một nguồn tin cho biết tổng thống không hài lòng với việc các nhà lập pháp can thiệp vào các cuộc đàm phán của ông.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Quốc hội có đủ sự nhất trí để ràng buộc Tổng thống trong việc xử lý vấn đề này hay không, bởi Đồi Capitol cần có đủ số phiếu bầu để đảo ngược quyền phủ quyết của Tổng thống (trong trường hợp ông Trump dùng quyền này để giải cứu Huawei), mà điều đó dường như không khả thi.
Để cảnh báo ông Trump, tuần trước, Thượng nghị sĩ bang Utah, ông Mitt Romney đã đưa ra một đệ trình sửa đổi đối với Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng nhằm hạn chế khả năng loại bỏ Huawei khỏi danh sách đen của ông Trump. Còn quá sớm để biết liệu đệ trình này nhận được bao nhiêu hỗ trợ từ các thành viên Quốc hội.
Các công ty Mỹ bị ngăn không bán linh kiện cho Huawei đang vận động chính phủ ra tay giải cứu bằng cách viện dẫn những tác động đến hoạt động kinh doanh và khả năng tồn tại của họ.
Tương lai sắp tới tùy thuộc vào việc ông Trump sẽ đứng về phía những tiếng nói cứng rắn về an ninh quốc gia hay nhượng bộ trước áp lực từ cộng đồng doanh nghiệp, theo Bloomberg.