Sau thông tin về khả năng có sự sống trên sao Kim, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nga (Roscosmos) một lần nữa gọi sao Kim là "hành tinh Nga", báo The Moscow Times đưa tin.
Phát biểu tại một sự kiện trong khuôn khổ triển lãm HeliRussia 2020 ở thủ đô Moscow (Nga), Giám đốc Roscosmos Dmitry Rogozin nhắc lại rằng Nga (mà tiền thân là Liên Xô) là "nước đầu tiên và duy nhất đổ bộ thành công lên sao Kim".
Ông Rogozin cũng đề cập kế hoạch của Nga để chuẩn bị thực hiện một sứ mệnh độc lập lên sao Kim mà không hợp tác với bất kỳ quốc gia nào. Trong khi đó, Roscosmos vẫn theo đuổi dự án hợp tác Nga-Mỹ Venera-D đã được lên kế hoạch từ trước.
Trước đó, khi công bố kế hoạch trở lại nghiên cứu sao Kim hồi đầu tháng 8, ông Rogozin đã nói rằng: "Đây đã luôn là hành tinh Nga".
Tem kỷ niệm sử mệnh đổ bộ sao Kim của tàu thăm dò Venera 8 của Liên Xô năm 1972. Ảnh: METRO
Phát biểu của ông Giám đốc Roscosmos được chú ý sau khi một nhóm nhà khoa học vũ trụ hàng đầu thế giới công bố trên tạp chí Nature Astronomy một phát hiện mới liên quan tới khả năng có sự sống trên sao Kim. Báo cáo được công bố hôm 14-9.
Các chuyên gia đã phát hiện khí phosphine trên sao Kim. Trên Trái Đất, khí này thường sinh ra trong quá trình phân hủy xác động vật trong điều kiện nồng độ oxy thấp và gây ra hiện tượng "ma trơi".
Các nhà khoa học chưa tìm ra tác nhân phi sinh học nào có thể sản sinh ra khí phosphine trên sao Kim. Do đó, sự tồn tại của một dạng sống nào đó trên hành tinh này đang được coi là cách lý giải hợp lý nhất.
Tuy nhiên, ông Rogozin cho rằng theo kết quả từ các sứ mệnh nghiên cứu sao Kim, Roscosmos nhận thấy hành tinh này "giống như địa ngục" và thực sự không phù hợp để duy trì sự sống.
Cũng liên quan tới bài công bố trên Nature Astronomy, chương trình "Sáng kiến Đột phá" của tỉ phú người Nga Yuri Milner đã thông báo khoản tài trợ cho dự án nghiên cứu "khả năng tồn tại sự sống nguyên thủy" trên sao Kim do Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) dẫn đầu.
Năm 1972, tàu thăm dò Venera 8 của Liên Xô đã hạ cánh thành công trên sao Kim. Đây là lần đầu tiên một thiết bị do con người tạo ra đáp xuống một hành tinh khác ngoài Trái Đất.
Các sứ mệnh khác của cả Liên Xô và Mỹ chỉ bay qua hoặc tiếp cận quỹ đạo quanh sao Kim.
Từ sau Chiến tranh lạnh, sao Kim đã bị coi là hành tinh "bị bỏ quên" khi rất ít sứ mệnh không gian hướng tới hành tinh này. Cả Mỹ và Nga - nước kế thừa Liên Xô - đều tạm ngừng các dự án nghiên cứu sao Kim.