Bắt đầu từ ngày 30-8, một số bệnh viện và phòng khám tại Singapore sẽ triển khai vaccine ngừa COVID-19 của tập đoàn dược Trung Quốc Sinopharm để tiêm dịch vụ cho người dân, tờ The Straits Times đưa tin.
Hai cơ sở y tế ở gần vịnh Marina, miền nam Singapore, do tập đoàn y tế Clearbridge quản lý sẽ bắt đầu nhận đăng ký tiêm vaccine bất hoạt Vero Cell của Sinopharm từ ngày 28-8.
Theo The Straits Times, đã có rất đông người đặt lịch tiêm và các khách hàng đầu tiên sẽ được tiêm vào ngày 30-8. Giá tiêm - gồm cả thuế hàng hóa và dịch vụ - là 98 đô Sing (gần 1,7 triệu đồng) cho hai liều.
Vaccine Vero Cell ngừa COVID-19 của tập đoàn dược Trung Quốc Sinopharm. Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, ba cơ sở y tế khác cũng nhận lịch hẹn tiêm vaccine của Sinopharm từ ngày 30-8. Hai trong ba cơ sở này sẽ bắt đầu tiêm chủng từ ngày 1-9, bệnh viện còn lại sẽ triển khai tiêm từ ngày 7-9. Vaccine sẽ do hệ thống y tế IHH Singapore - một trong những mạng lưới cơ sở y tế lớn nhất thế giới - cung cấp với mức giá 99 đô Sing (gần 1,7 triệu đồng).
Singapore chỉ mới cấp phép sử dụng khẩn cấp cho hai loại vaccine của Pfizer-BioNTech và của Moderna. Vaccine của Pfizer-BioNTech hay Moderna được nhập theo Luồng Tiếp cận đặc biệt trong đại dịch (PSAR).
Tuy nhiên bên cạnh đó nước này vẫn chấp nhận sử dụng các loại vaccine khác đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận sử dụng trong tình trạng khẩn cấp. Vaccine của Sinopharm là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ hai được phép sử dụng tại Singapore theo diện này.
Cùng với vaccine của công ty Trung Quốc Sinovac, sản phẩm của Sinopharm được nhập vào Singapore theo Luồng Tiếp cận đặc biệt (SAR).
Khác với các loại vaccine của Pfizer-BioNTech hay Moderna, hai loại vaccine Trung Quốc không được nhà nước Singapore hỗ trợ tiêm miễn phí, trừ trường hợp được xác định bị dị ứng với các loại vaccine công nghệ mRMA của Pfizer-BioNTech hay của Moderna.
Người tiêm một trong hai loại vaccine của Pfizer-BioNTech và của Moderna vốn được nhập theo dạng PSAR được hưởng hỗ trợ từ Chương trình hỗ trợ tài chính khi bị thương tích do tiêm vaccine, tức sẽ được chính phủ hỗ trợ tài chính nếu bị dị ứng nặng sau tiêm.
Tuy nhiên người tiêm các loại vaccine được nhập theo diện SAR không được hưởng chương trình này.
Singapore vẫn liên tục ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng nhưng với số lượng khá nhỏ khi trong bốn ngày gần đây, con số này chỉ ở mức hơn 100 ca. Tính tới ngày 27-8, nước này ghi nhận 67.050 ca nhiễm COVID-19, bao gồm 55 trường hợp đã tử vong.
Tỉ lệ tiêm chủng cao chính là một trong những lý do giúp giới chức nước này tự tin từng bước mở cửa kinh tế ngay cả khi số ca nhiễm mới chưa được đưa về mức 0 như trong các làn sóng dịch trước kia.
Theo số liệu chính thức của Singapore, tính đến ngày 26-8, 79% dân số nước này (gần 4,28 triệu người) đã được tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Trong đó, 85.390 người được tiêm các loại vaccine trong danh sách của WHO nhưng chưa được Singapore cấp phép, như vaccine Vero Cell.