Theo hãng tin Bloomberg, Thống đốc vùng Krasnoyarsk Alexander Uss tuyên bố hồi tháng 7-2019 rằng cứu rừng và dập lửa là những việc làm "vô ích và thậm chí nguy hiểm" thời điểm vụ cháy rừng khủng khiếp bắt đầu xảy ra ở khu vực ông quản lý.
Hình ảnh vụ cháy rừng đang diễn ra ở Siberia. Ảnh: THE GUARDIAN
Ngày 1-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức điều quân đội để hỗ trợ công tác cứu rừng. Một ngày trước đó, Tổng thống Donald Trump cũng đã gửi đề nghị giúp đỡ Moscow chữa cháy, tuy nhiên ông chủ điện Kremlin đã từ chối và cảm ơn cử chỉ của người đồng cấp Mỹ.
Các chuyên gia cảnh báo số liệu thống kê cho thấy nhiệt độ cao nhất trên toàn cầu được ghi nhận rơi vào hai tháng 6 và 7-2019. Ở khu vực Seberia nơi cháy rừng đang diễn biến phức tạp, nhiệt độ lên cao hơn mức trung bình ghi nhận từ năm 1981-2010 đến 6 độ C. Tính từ đầu năm 2019, cháy rừng đã phá hủy hơn 13 triệu hecta rừng ở đây, diện tích lớn hơn cả nước Hy Lạp.
"Tôi không thể nhớ được lần cuối lửa cháy lớn thế này là khi nào và tôi đã làm công tác quản lý rừng từ năm 1972" - chuyên gia Pyotr Tsvetkov chia sẻ với Bloomberg. Ông đang điều hành một phòng nghiên cứu cháy rừng ở Krasnoyarsk. Ông cho biết khói tỏa mù khu vực đến mức "không còn không khí để thở và đã lan đến vùng núi Urals (cách đó hàng trăm kilomet)".
Được biết vụ cháy nhiều khả năng bắt nguồn từ các đầu lọc thuốc lá của những phu chở gỗ trên tuyến đường khai thác gỗ ở đây. Chính quyền Moscow bị chỉ trích vì đã không có động thái kịp thời ngăn chặn lửa lan rộng, cũng như cắt giảm các chi phí cần thiết trong công tác phòng hộ rừng.
Trước khi quân đội được điều động hỗ trợ, các lực lượng cứu hỏa và cứu hộ trong khu vực do quyết định cắt giảm nói trên đã hoàn toàn bất lực trong việc kiểm soát lửa. Toàn bộ 3.000 nhân sự và 24 máy bay chỉ có thể kiểm soát được vỏn vẹn 4% diện tích bị ảnh hưởng.
Moscow đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở hai vùng Krasnoyarsk và Irkutsk. Trong khi đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev kêu gọi chính quyền liên bang xem lại và cải tổ các hoạt động chống cháy rừng.
"Điều tối quan trọng trong chống cháy rừng là các lực lượng phòng hộ phải được hỗ trợ đầy đủ. Đến lúc đó, Nga mới có khả năng ngăn chặn cháy rừng tiếp diễn vào năm sau" - người đứng đầu tổ chức môi trường Green Peace chi nhánh Nga Grigory Kuksin khẳng định.
Tuy vậy, nhiều người dân cho biết họ không tin rằng chính quyền Nga có thể đưa ra được biện pháp nào hiệu quả. Chủ một trang Facebook tuyên truyền về cháy rừng ở Siberia, ông Andrei Grigoriev, nói rằng ông chỉ cần nhìn vào thái độ thờ ơ của quan chức khi nhận được thông tin cháy rừng là có thể biết được nên đặt niềm tin vào đâu.
"Tôi phải bỏ buổi chạy thể dục buổi sáng vì tôi không muốn ngửi mùi lá cây cháy. Thế mà Thống đốc Alexander Uss lại cho rằng không nên chữa cháy vì lý do như nó quá xa hay ngọn lửa sẽ có ích về lâu dài. Cả thế giới lên tiếng, ông Putin vào cuộc và giờ ông ta lại đổi giọng điệu và kêu gọi chung tay cứu rừng" - ông Grigoriev nói. Theo bà Oksana Tarasova, người đứng đầu Tổ chức Nghiên cứu Khí tượng và Môi trường Thế giới, cảnh báo vụ cháy rừng nếu tiếp diễn sẽ đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu với lượng khí nhà kính khổng lồ thải ra ở đây.
Bloomberg cho biết thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều cho thấy giới lãnh đạo Nga đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến vấn đề biến đổi khí hậu. Bộ Kinh tế Nga được cho là đang soạn thảo kế hoạch nền kinh tế nước này phù hợp hơn với những tác động từ môi trường, trong đó có cháy rừng.
Ở thời điểm hiện tại, có vẻ một cơn mưa là điều cần nhất cho người dân Siberia và là giải pháp duy nhất cho ngọn lửa ngày một cao hơn.
"Chúng tôi đang chờ mưa. Tuy nhiên với lửa lớn như thế này, có lẽ một cơn mưa vẫn không đủ sức dập tắt. Chúng tôi cần cả mùa cơ" - chuyên gia Pyotr Tsvetkov nói.