Thổ Nhĩ Kỳ ra tối hậu thư với NATO về người Kurd

Thổ Nhĩ Kỳ vừa ra một tối hậu thư với NATO (khối phòng thủ an ninh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) ngay trước khi NATO bắt đầu kỳ họp thượng đỉnh ở London (Anh), theo tin từ Reuters.

Cụ thể, ngày 3-12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ phong tỏa một kế hoạch phòng thủ của NATO bảo vệ các nước vùng Baltic và Ba Lan trừ khi liên minh thừa nhận lực lượng dân quân người Kurd là khủng bố đồng thời tăng cường ủng hộ cuộc chiến của mình với lực lượng này ở đông bắc Syria.

“Chúng ta có thể ngồi lại cùng nhau và bàn các vấn đề này ở đó. Nhưng nếu những người bạn ở NATO không thừa nhận những kẻ chúng tôi coi là tổ chức khủng bố (lực lượng dân quân người Kurd) như là tổ chức khủng bố…chúng tôi sẽ chống lại mọi bước đi dự kiến sẽ diễn ra ở đó” – ông Erdogan tuyên bố về kế hoạch phòng thủ Baltic trước khi rời Thổ Nhĩ Kỳ sang Anh dự hội nghị NATO.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ phong tỏa một kế hoạch phòng thủ của NATO nếu liên minh không thừa nhận lực lượng dân quân người Kurd là khủng bố. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ phong tỏa một kế hoạch phòng thủ của NATO nếu liên minh không thừa nhận lực lượng dân quân người Kurd là khủng bố. Ảnh: REUTERS

Ông Erdogan nói ông đã điện đàm với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duba, đồng ý sẽ gặp ông Duba và các lãnh đạo các nước Baltic tại London.

Kỳ họp thượng đỉnh này sẽ là dịp kỷ niệm 70 năm thành lập NATO – một liên minh quân sự được xem là hoạt động thành công nhất trong lịch sử thế giới.

Tuy nhiên thời gian gần đây có thể thấy NATO đã và đang phải đối mặt với thách thức ngày càng nhiều. Một thách thức có thể kể đến là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu các nước trong khối phải tăng chia sẻ chi phí quân sự của khối với Mỹ. Gần đây Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có sự ví von là NATO đang trong tình trạng “chết não”.

Và lời đe dọa của ông Erdogan càng thêm gây ngờ vực về tương lai chính trị của NATO. Quan hệ giữa ông Erdogan và Thổ Nhĩ Kỳ với các thành viên khác của NATO vốn đã không tốt sau khi nước này mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Trả lời phỏng vấn Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng “không phải các nước đều xem đó là đe dọa như họ xem”, đồng thời đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng sự thống nhất của liên minh và không phong tỏa kế hoạch phòng thủ Baltic.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trước kỳ họp thượng đỉnh NATO ở London (Anh) ngày 3-12. Ảnh: REUTERS

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trước kỳ họp thượng đỉnh NATO ở London (Anh) ngày 3-12. Ảnh: REUTERS

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tái xác nhận nội dung phòng thủ chung là trọng tâm của hiệp ước NATO và khẳng định NATO sẽ phản ứng với mọi cuộc tấn công nhắm vào Ba Lan và các nước vùng Baltic.

“Thông qua sự hiện diện của lực lượng NATO tại Ba Lan và các nước vùng Baltic, chúng ta gửi đến Nga một thông điệp rất mạnh: nếu có một cuộc tấn công nhằm vào Ba Lan hay các nước vùng Baltic, toàn bộ liên minh sẽ đáp trả” – ông Stoltenberg nói trong cuộc trả lời phỏng vấn một số báo châu Âu.

Theo ông Stoltenberg, dù có một số bất đồng nhưng liên minh NATO vẫn vững mạnh và tăng cường sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ cốt lõi của mình là bảo vệ châu Âu sau khi Nga sáp nhập lãnh thổ Crimea từ Ukraine.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm