Theo thông tin từ tờ Bangkok Post, Thủ tướng Thái Lan, ông Prayut Chan-o-cha đã yêu cầu tổ chức hội thảo trực tuyến với lãnh đạo của 16 tỉnh và các bộ liên quan, sau khi ô nhiễm bụi mịn PM2.5 vượt quá mức an toàn ở Bangkok và các tỉnh lân cận.
Buổi hội thảo còn có sự hiện diện của Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Y tế Công cộng Anutin Charnvirakul, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anupong Paojinda, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Saksayam Chidchob và người đứng đầu Cơ quan Kiểm soát Ô nhiễm (PCD).
Theo ông Prayut, cuộc họp này nhằm chuẩn bị cho việc hợp tác và đối phó với vấn đề ô nhiễm môi trường.
Ô nhiễm bụi mịn bao trùm nhiều vùng ở Bangkok. Ảnh: BANGKOK POST
Mức độ ô nhiễm không khí ở thủ đô Thái Lan và các vùng lân cận đã đạt mức cực kỳ nguy hiểm với sức khỏe người dân. Người dân trong các khu vực này có thể bị chóng mặt nhẹ.
Phần lớn các trạm quan trắc của PCD cũng cho kết quả hàm lượng bụi mịn PM2.5 đã vượt quá mức an toàn 50 microgram trên mét khối khi thở (µg/m³), với mức độ bụi mịn PM2.5 được ghi nhận cao nhất lên tới 80µg/m³.
Thư ký thường trực Bộ Y tế Công cộng Sukhum Kanchanapimai khuyến cáo người lao động ngoại trời đeo khẩu trang và uống 6-8 cốc nước mỗi ngày, khi mức độ bụi mịn đã vượt quá ngưỡng an toàn.
Người dân Bangkok đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân khỏi ô nhiễm bụi mịn. Ảnh: BANGKOK POST
Số liệu của IQAir AirVisual cho thấy vào 17 giờ ngày 29-9, Bangkok là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Thủ đô Hà Nội và thành phố Thành Đô (Trung Quốc) lần lượt giữ các vị trí tiếp theo.
Theo ông Pralong Damrongthai, Tổng Giám đốc Cơ quan Kiểm soát Ô nhiễm, tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay là do không có gió làm không khí không lưu thông được và lượng mưa thấp trong thời điểm giao mùa.
Để đối phó với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều khu vực tại Bangkok đã triển khai chiến dịch phun nước vào không khí nhằm làm hàm lượng độ bụi mịn quanh các trường học và các đại lộ.
Bụi mịn PM2.5 có kích thước dưới 2,5 micromet, tức chỉ bằng 1/20 đường kính tóc người. Bụi này có khả năng xâm nhập dễ dàng vào sâu trong phổi và đi vào mạch máu, dẫn tới các bệnh hô hấp và tim mạch. Bụi mịn thường được thải ra thông qua các hoạt động công nghiệp, khí thải xe cộ và các đám cháy.