Giới lãnh đạo người Kurd ở đông bắc Syria cho hay lực lượng họ bắt đầu rút khỏi các tiền đồn dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tháng này đạt một thỏa thuận thiết lập “vùng an toàn” ở đó, theo kênh Al Jazeera.
Chính quyền khu vực do người Kurd dẫn đầu ngày 27-8 cho biết việc rút khỏi các tiền đồn dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu cuối tuần trước ở khu vực Ras al-Ain, gồm các động thái như phá bỏ các đồi đất, rút vũ khí hạng nặng cùng một nhóm chiến binh.
Ngày 26-8, họ đã lặp lại các hoạt động này ở Tal Abyad “cho thấy sự nghiêm túc trong các cam kết của chúng tôi trước tình hình hiện tại ở vùng đệm này" - chính quyền người Kurd nói trong một tuyên bố.
Lực lượng SDF được Mỹ hậu thuẫn. Ảnh: REUTERS
Ankara đang gây sức ép ở vùng đệm này, chạy từ phía đông sông Euphrates tới biên giới Iraq, nhằm đẩy Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd giữ vai trò tiên phong được Mỹ bảo trợ ra khỏi biên giới nước mình.
Ngày 7-8, Ankara và Washington nhất trí thiết lập một trung tâm tác chiến chung nhằm điều phối và quản lý việc thiết lập một vùng an toàn đã lên kế hoạch. Một số chi tiết trong thỏa thuận bao gồm tuần tra chung và sẽ có hiệu lực theo từng giai đoạn.
“SDF sẽ ở lại các thị trấn”
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã chỉ định một khu vực có phạm vi 30-40 km bên trong lãnh thổ Syria, trong khi Mỹ cố gắng giới hạn khu vực chỉ còn 10 km.
PV Bernard Smith của kênh Al Jazeera đưa tin từ tỉnh Antaky của Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới với Syria rằng SDF cho hay họ đang rút lui vào sâu trong lãnh thổ Syria 17 km.
“Họ nói rằng 5 km đầu tiên sẽ được khai thông để Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần tra và xa hơn nữa là Mỹ, rồi sau đó là Mỹ và lực lượng người Kurd” - ông Smith nói, cho biết thêm tuyên bố của SDF không thực sự như những gì Ankara mong muốn ban đầu.
“SDF cho biết họ sẽ chỉ rút khỏi một số khu vực nông thôn và vẫn ở lại các thị trấn và thành phố” - PV này cho biết.
Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) giữ vai trò xung kích cho liên minh SDF - lực lượng kiểm soát những khu vực ở đông bắc Syria sau khi đánh tại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq với sự hỗ trợ của Mỹ.
Sự ủng hộ của Washington đối với YPG đã làm Thổ Nhĩ Kỳ tức giận vì nước này xem các tay súng người Kurd là mối nguy hại an ninh do có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Ankara cho là tổ chức khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu và Mỹ xem PKK là nhóm khủng bố, trong khi YPG lại bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách đen.
Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sớm tiến vào Syria
Ankara nhiều lần cho hay nước này sẽ không dung thứ cho bất kỳ sự trì hoãn nào về việc các quan chức Mỹ thực thi thỏa thuận. Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời cảnh báo sẽ mở một cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm “dọn sạch” biên giới nước mình nếu cần thiết.
Hôm 26-8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho hay lực lượng nước này sẽ sớm tiến vào đông bắc Syria.
Lực lượng YPG. Ảnh: GETTY
“Máy bay không người lái vũ trang, máy bay không người lái và trực thăng của chúng tôi đã xuất hiện trong khu vực… Chúng tôi mong lực lượng trên bộ của mình sẽ tiến vào khu vực sớm” - ông Erdogan nói.
Hôm 24-7, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho hay trung tâm tác chiến Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đã “hoạt động hết công suất”, thêm rằng chuyến bay trực thăng chung đầu tiên đã diễn ra vào chiều 24-7.
Thổ Nhĩ Kỳ những năm gần đây đã hai lần đưa quân vào miền Bắc Syria nhằm đẩy lực lượng người Kurd khỏi các biên giới nước mình. Thổ Nhĩ Kỳ hiện cùng các nhóm nổi dậy đồng minh kiểm soát một khu vực ở tây bắc Syria.
“Vùng an toàn” ban đầu do Washington đề xuất vào năm ngoái, nhằm ngăn Ankara tiến hành cuộc tấn công xuyên biên giới khác sau các cuộc tấn công trước đó vào năm 2016 và 2018.