Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 21-3 than phiền rằng đất nước đang ở giai đoạn khắc nghiệt nhất trong lịch sử trong bối cảnh hứng chịu hàng loạt trừng phạt quốc tế vì chương trình hạt nhân và tên lửa, theo tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc).
“Chúng ta đã trải qua tro tàn thời hậu chiến và “cuộc hành quân gian khổ”, nhưng những thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong 10 năm gần đây là những gian khó khắc nghiệt nhất trong lịch sử nền cộng hòa của chúng ta” – tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, viết.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP
Bài báo kêu gọi “tinh thần mạnh mẽ” cũng như “lòng dũng cảm và óc sáng tạo trong xây dựng thành tựu từ con số không” nhằm để duy trì cuộc sống “miễn là còn nước uống và không khí”.
Theo tờ Chosun Ilbo, truyền thông nhà nước Triều Tiên hiếm khi thừa nhận tình trạng khó khăn của đất nước. Do vậy, bài viết trên Rodong Sinmun được xem là động thái bất thường của Bình Nhưỡng.
Kinh tế Triều Tiên đi xuống nhanh chóng sau khi hàng loạt lệnh trừng phạt cứng rắn do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm 2017.
Đó là khi Triều Tiên bắt đầu đẩy mạnh hàng loạt các hoạt động ngoại giao, đầu tiên là tham gia Thế vận hội mùa đông Pyeongchang ở Hàn Quốc hồi tháng 2-2018.
Chỉ riêng dữ liệu thương mại đủ chứng tỏ tình trạng thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng của Triều Tiên. Theo số liệu chính thức, xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc năm 2018 đã giảm 87% so với năm trước đó và thương mại song phương hồi tháng 1-2019 giảm 8,4% so với tháng 12-2018.
Triều Tiên đang chật vật tìm cách lách các lệnh trừng phạt bằng việc vận chuyển dầu trái phép, nhưng việc giám sát gắt gao hơn của Mỹ khiến Triều Tiên gặp khó khăn rất nhiều. Nhiều nước trên thế giới cũng từ chối cấp visa cho người lao động Triều Tiên và trục xuất họ.
Tờ Rodong Sinmun khẳng định sự cần thiết phải duy trì kho vũ khí hạt nhân của đất nước. "Chúng ta đã đạt được chiến công lớn nhất, uy lực nhất ngay cả trong thời kỳ khó khăn như vậy", tờ báo viết, cho rằng Triều Tiên "tự tin nắm chắc trong tay thanh gươm tự cung tự cấp", một cụm từ nước này hay dùng để chỉ vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, ông Kim Chang-son, người được xem là "quản gia" của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang ở Nga dường như là để sắp xếp chuyến thăm cho nhà lãnh đạo Triều Tiên để xem liệu các lệnh trừng phạt có thể được nới lỏng hay không.