Cả hai ý này của ông Teodoro Locsin Jr. đều có vấn đề. Thứ nhất, không thể nói Bắc Kinh không cần dầu khí, dù là của Philippines hay nước khác. Tất nhiên, dầu khí không phải là mục tiêu duy nhất của TQ nhưng cho đến lúc này, các chỉ số về nhu cầu năng lượng và tăng trưởng kinh tế của TQ cho thấy năng lượng không bao giờ là thừa với TQ.
Một số nghiên cứu chỉ ra ở biển Đông, trữ lượng tài nguyên dầu mỏ khoảng 20-30 tỉ tấn dầu, trong khi trữ lượng khí đốt khoảng 200 tỉ m3. Biển Đông được xem là một trong những bồn trũng chứa dầu và khí đốt lớn nhất trên thế giới. Trong khi đó, trữ lượng dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines dù không cao nổi bật nhưng cũng không nằm ngoài nhu cầu rất cao của Bắc Kinh.
Giới quan sát nhận định tập đoàn dầu khí Hải dương TQ (CNOOC) đã và đang hoạt động rất mạnh, thậm chí là mạnh nhất khu vực biển Đông. Hồi đầu tháng 10, truyền thông quốc tế đưa tin TQ triển khai giàn khoan Hải Dương 982 mới trên vùng biển sâu đến 3.000 m ở biển Đông, dù chưa thể biết tọa độ chính xác. Phía Việt Nam cho biết các lực lượng chức năng đang xác minh thông tin, đồng thời yêu cầu các nước phải tuân thủ luật quốc tế. Trước đó, năm 2014, TQ từng triển khai giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào biển Việt Nam.
Gần đây TQ triển khai các đội tàu khảo sát địa chấn, tàu hải cảnh và dân quân biển nhằm đe dọa, ngăn cản hoạt động khai thác dầu khí của Malaysia, Việt Nam, bất chấp bị dư luận quốc tế lên án. Điều đó không chỉ nhằm vào việc tái khẳng định yêu sách đường lưỡi bò (vốn đã bị phán quyết của tòa bác năm 2016) mà còn cho thấy TQ chủ động bảo vệ nguồn tài nguyên nằm trong đường lưỡi bò phi pháp, trong đó đặc biệt là dầu khí.
Mặt khác, không thể nói như Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. rằng TQ chỉ muốn giúp và là bên duy nhất đề xuất giúp đỡ Philippines phát triển dầu khí. Tham vọng bá quyền muốn biến biển Đông thành “ao nhà” của TQ đã không thể bị giấu nhẹm, ít nhất là từ khi TQ ngang ngược chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012, cho xây dựng trái phép hàng loạt đảo nhân tạo ở Trường Sa, Hoàng Sa từ năm 2013 và quân sự hóa các thực thể ấy.
Nếu muốn nói “khai thác chung” là một hình thức giúp đỡ thì việc giúp đỡ ấy lại càng không giống ai. Thực tế trong lịch sử, việc các nước gác lại tranh chấp để cùng nhau khai thác chung trên biển không phải hiếm, thậm chí được xem là một giải pháp hiệu quả. Ví dụ, hai quốc gia có các vùng biển chồng lấn về yêu sách, tức là có tranh chấp; hoặc hai quốc gia dù đã phân định biên giới trên biển nhưng có nguồn tài nguyên vắt ngang biên giới hai bên. Khi đó các bên có thể dựa vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) thực hiện các biện pháp hợp tác khác nhau để khai thác nguồn tài nguyên.
Tuy nhiên, trường hợp “gác tranh chấp, cùng khai thác” kiểu TQ đang làm và lôi kéo Philippines tham gia thì chưa từng có tiền lệ. Lý do là TQ dựa vào yêu sách đường chín đoạn ôm gần hết biển Đông để đơn phương tạo tranh chấp. Phần lớn các khu vực mà TQ dùng đủ sức ép để đề nghị “gác tranh chấp, khai thác chung” đều nằm trên khu vực thuộc EEZ hoặc thềm lục địa của nước khác, điển hình là Philippines. Như vậy, chấp nhận ăn chia với TQ đồng nghĩa với việc thừa nhận có tranh chấp với TQ, qua đó gián tiếp thừa nhận sự hiện diện của yêu sách đường chín đoạn vốn đã bị tòa bác từ năm 2016.
Nếu “tử tế” đến mức muốn giúp đỡ Philippines phát triển dầu khí thì việc đơn giản nhất mà TQ có thể làm là thượng tôn pháp luật, tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài, hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế. Thế nhưng tất cả những gì cho đến nay cho thấy điều mà Philippines gọi là “công bằng”, “giúp đỡ” đều là vô lý.