Khu vực bồn trũng Nam Côn Sơn hoàn toàn nằm trong EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, không có tranh chấp với TQ. Tuy nhiên, theo ThS Hoàng Việt (chuyên gia biển Đông, ĐH Luật TP.HCM), TQ muốn biến các khu vực hoàn toàn của Việt Nam này thành khu vực có tranh chấp với TQ. Và do đó, bên cạnh việc dùng sức mạnh đe dọa, mặt khác TQ tung ra chiêu bài “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Nếu chấp thuận “gác tranh chấp, cùng khai thác” với TQ sẽ tạo ra tiền lệ vô cùng nguy hiểm cho các quốc gia ASEAN và với luật pháp quốc tế. Câu hỏi đặt ra là trước sức ép ngày càng nặng nề của (các đội tàu) TQ, Việt Nam nên hành xử như thế nào?
Theo chuyên gia Hoàng Việt, Việt Nam vẫn duy trì chính sách giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình thông qua con đường ngoại giao và kêu gọi sự lên tiếng của cộng đồng quốc tế. Thứ nhất, giải quyết bằng biện pháp hòa bình phù hợp với yêu cầu của luật pháp quốc tế bao gồm hiến chương cũng như các văn bản pháp luật khác của Liên Hiệp Quốc. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Thứ hai, Việt Nam rất cần duy trì nền hòa bình để phát triển đất nước, tránh để rơi vào tình trạng chiến tranh. Tuy nhiên, tránh chiến tranh không có nghĩa sẽ không tự vệ khi bị xâm lược. Chính vì sử dụng biện pháp hòa bình như hiện nay, Việt Nam cần kiên trì thực hiện biện pháp dân sự cần thiết để ngăn không cho TQ lặp lại như trường hợp Scarborough năm 2012. Theo đó, Việt Nam cần duy trì và tăng cường sự xuất hiện của lực lượng chấp pháp biển bao gồm cảnh sát biển, kiểm ngư để ngăn chặn các hành vi sai trái của các tàu TQ.
Mặt khác, Việt Nam cần tranh thủ sự lên tiếng của cộng đồng quốc tế. Muốn vậy, công tác truyền thông về sự kiện này cần được thực hiện mạnh mẽ, bài bản và liên tục. Mặt khác, Việt Nam cần tìm nhiều kênh để trao đổi với các quốc gia khác như Malaysia, Philippines, Brunei… để nhắc họ tránh rơi vào bẫy “gác tranh chấp, cùng khai thác” của TQ. Nếu các quốc gia ASEAN cùng thức tỉnh và hành động cùng nhau thì ý đồ của TQ sẽ thất bại. Ngoài ra, Việt Nam cần xem xét thực hiện biện pháp khởi kiện TQ như Philippines đã làm trước đây. Mặc dù phán quyết của Tòa Trọng tài 2016 không có cơ chế bắt buộc thi hành nhưng sẽ gây tiếng vang và thể hiện chính nghĩa thuộc về Việt Nam.