Virus Corona: Tuyên bố khẩn cấp y tế toàn cầu có nghĩa gì?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu (PHEIC) với dịch virus Corona ở Trung Quốc.

Tuyên bố PHEIC cho phép WHO có khả năng tác động đến đường đi của dịch. Các nước, các tổ chức, công ty trên toàn cầu đã bắt tay vào kiềm chế dịch. Tuy nhiên động thái tuyên bố PHEIC của WHO sẽ tác động tích cực hơn đến các phản ứng này cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Cụ thể:

. Tuyên bố PHEIC chính thức phát đi thông điệp dịch virus Corona là nghiêm trọng.

. Tuyên bố PHEIC khuyến khích các nước hợp tác với nhau càng nhiều càng tốt để chống dịch, thể hiện cụ thể qua các mặt nhân sự, các quỹ tài trợ và các nguồn lực khác, dưới sự chỉ đạo của WHO.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO (trái) và ông Michael J. Ryan - Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) sau cuộc họp khẩn về virus Corona tối 30-1. Ảnh: REUTERS

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO (trái) và ông Michael J. Ryan - Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) sau cuộc họp khẩn về virus Corona tối 30-1. Ảnh: REUTERS

Tuyên bố PHEIC giúp người dân toàn cầu hiểu hơn về sự nguy hiểm của dịch virus Corona, từ đó có thể thuyết phục công dân các nước có ca nhiễm tuân thủ các khuyến cáo về y tế và vệ sinh để chống dịch.

. Tuyên bố PHEIC cho phép Ủy ban Khẩn cấp của WHO có thẩm quyền đưa ra các khuyến cáo đi lại với các TP, các khu vực, các quốc gia. Các khuyến cáo này từng được áp dụng trong các nạn dịch lớn, bùng phát nhanh nguy hiểm như SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng năm 2003) ảnh hưởng đến 29 nước, giết chết 774 người.

Tuyên bố PHEIC có thể sẽ buộc một số hãng hàng không vùng Vịnh (như Emirates - hãng vận tải lớn nhất thế giới, Etihad, Qatar) phải ngưng khai thác đường bay đến Trung Quốc. Các hãng hàng không vùng Vịnh là trung tâm nối kết hành khách từ Trung Quốc đến châu Âu, châu Phi và Trung Đông. Trong đó ba hãng Emirates, Etihad, Qatar khai thác khoảng 160 chuyến bay đến Trung Quốc đại lục và Hong Kong mỗi tuần. Trong khi các hãng hàng không khác ngưng bay đến Trung Quốc thì ba hãng này vẫn chưa ngừng vì đây là một nguồn lợi nhuận lớn.

WHO có thể xem xét các biện pháp y tế công cộng hiện đang được các nước áp dụng, đảm bảo căn cứ khoa học của các biện pháp này. Nếu một nước áp dụng các hạn chế đi lại hay thương mại đi quá khuyến cáo của WHO, chẳng hạn từ chối cho các trường hợp nghi nhiễm nhập cảnh, thì WHO có thể yêu cầu nước này giải thích căn cứ khoa học.

Kiểm tra nhiệt độ tại một bến phà chở khách ở Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 30-1. Ảnh: BLOOMBERG

Kiểm tra nhiệt độ tại một bến phà chở khách ở Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 30-1. Ảnh: BLOOMBERG

. Quyết định tuyên bố PHEIC luôn dính líu yếu tố chính trị, theo Giáo sư về y tế công cộng toàn cầu Devi Sridhar tại đại học Edinburgh (Anh).

Họp báo tại Gevena (Thụy Sĩ) tối 30-1, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO nhắc đi nhắc lại rằng tuyên bố này không phải là “một sự bỏ phiếu bất tín nhiệm” với khả năng kiểm soát dịch của Trung Quốc.

Tuyên bố PHEIC có thể sẽ tác động mạnh đến kinh tế Trung Quốc, không những thế kinh tế toàn cầu cũng sẽ không tránh khỏi bị tổn thất. Theo Reuters, tổn thất kinh tế toàn cầu từ dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2003 lên tới 40 tỉ USD, GDP toàn cầu giảm 0,1%.

Có thể thấy các tuyên bố PHEIC trước đây áp dụng với các nước thu nhập vừa đến thấp. WHO chưa có hướng dẫn nào đối phó với việc tuyên bố PHEIC ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc. Một khi WHO tuyên bố PHEIC, nước có dịch sẽ được hỗ trợ tài chính chống dịch. Với Trung Quốc, khoản tiền này có thể không bù nổi tổn thất về kinh tế và uy tín mình phải chịu khi bị WHO tuyên bố tình trạng PHEIC.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO (trái) đến Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) ngày 28-1. Ảnh: AP

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO (trái) đến Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) ngày 28-1. Ảnh: AP

WHO trước giờ rất thận trọng trong việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Đây là lần thứ sáu WHO dùng tới biện pháp này. Từ sau khi ban hành Các quy định y tế quốc tế năm 2007, WHO chỉ mới năm lần tuyên bố PHEIC. Lần đầu vào năm 2009 với đại dịch cúm heo H1N1. Lần thứ hai vào tháng 5-2014 với sự bùng phát của virus bại liệt. Lần thứ ba vào tháng 8-2014 với dịch Ebola. Lần thứ tư vào các năm 2015-2016 với dịch Zika. Và lần thứ năm vào các năm 2018-2019 với sự bùng phát trở lại của dịch Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Các nước Tây Phi đã rất bất mãn khi WHO tuyên bố PHEIC năm 2014 vì dịch sốt xuất huyết Ebola, chủ yếu vì lo ngại kinh tế bị ảnh hưởng.

. Các khuyến cáo của WHO không mang tính bắt buộc thực hiện nhưng các nước có áp lực phải tuân thủ các lời khuyên của WHO. Các nước thành viên có nghĩa vụ phải tuân thủ Các Quy định y tế quốc tế WHO ban hành năm 2005. Chuyện cản trở thực hiện các quy định này có thể là vấn đề liên quan đến luật pháp quốc tế, theo Giáo sư Rebecca Katz - Giám đốc Trung tâm An ninh và Khoa học Y tế Toàn cầu tại đại học Georgetown (Mỹ).

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm