Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cam kết sẽ nhanh chóng công bố báo cáo đánh giá sự an toàn của việc dùng thuốc Hydroxychloroquine trên bệnh nhân COVID-19, đài CNA đưa tin.
Ngày 26-5, WHO cho biết báo cáo sau cùng về tác hại hay lợi ích của thuốc điều trị sốt rét Hydroxychloroquine "được kỳ vọng" sẽ được công bố vào giữa tháng 6.
Những nỗ lực của WHO tìm thuốc trị COVID-19
Báo cáo này sẽ kết hợp đánh giá kết quả các thử nghiệm Hydroxychloroquine do WHO và các tổ chức khác thực hiện với các báo cáo khoa học đã được công bố.
WHO cam kết công bố báo cáo kết quả thử nghiệm thuốc trị sốt rét Hydroxychloroquine trên bệnh nhân COVID-19 vào giữa tháng 6. Ảnh: REUTERS
Hoạt động thử nghiệm thuốc Hydroxychloroquine của WHO là một phần trong chương trình thử nghiệm Solidarity nhằm tìm ra thuốc thuốc đặc trị COVID-19, nhưng đã bị tạm dừng sau khi xuất hiện nhiều báo cáo về tác động xấu của loại thuốc này.
WHO nêu rõ mỗi quốc gia có quyền khuyến cáo người dân của mình sử dụng hay không sử dụng một loại thuốc nào đó trong điều trị COVID-19. Tuy nhiên, tổ chức này khuyến cáo không nên cho phép sử dụng các liệu pháp và thuốc chưa được chứng minh tính hiệu quả.
Nhiều nước đã cấp phép cho sử dụng thuốc Hydroxychloroquine và Chloroquine (cũng được dùng trong điều trị sốt rét) để chữa trị các bệnh nhân COVID-19. Dù vậy, WHO khẳng định chưa chứng minh được tính hiệu quả của hai loại thuốc này.
Một số ứng viên thuốc đặc trị COVID-19 đang được thử nghiệm trong chương trình Solidarity bao gồm thuốc kháng virus Remdesivir, thuốc điều trị HIV/AIDS Lopinavir/Ritonavir hoặc kết hợp thuốc Lopinavir/Ritonavir với chất ức chế virus Interferon beta-1a.
Gần 3.500 bệnh nhân COVID-19 ở 17 quốc gia đã tham gia và hơn 400 bệnh viện ở 35 quốc gia vẫn tiếp tục tuyển các tình nguyện viên tham gia chương trình thử nghiệm Solidarity.
Nhiều nước ủng hộ sử dụng thuốc Hydroxychloroquine
Ngày 26-5, Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) kết luận dù có một số trường hợp buồn nôn hoặc tim đập nhanh, "không có tác dụng phụ nghiêm trọng" nếu dùng thuốc Hydroxychloroquine để phòng ngừa COVID-19.
Tổng Giám đốc ICMR Balram Bhargava cho biết cơ quan này khuyến cáo sử dụng thuốc Hydroxychloroquine để phòng ngừa cho các nhân viên y tế làm việc ở tuyến đầu chống dịch.
Tuy nhiên, ICMR cũng nhấn mạnh các nhân viên y tế nên tiếp tục sử dụng quần áo bảo hộ để bảo vệ bản thân không bị nhiễm COVID-19.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng quảng bá việc sử dụng thuốc Hydroxychloroquine bằng cách tự mình dùng thuốc này để ngừa COVID-19.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 24-5 thông báo ông đã kết thúc liệu trình dùng thuốc Hydroxychloroquine để ngừa COVID-19. Ảnh: SBG
Trong khi đó, Brazil đang cho phép sử dụng thuốc Hydroxychloroquine trong điều trị COVID-19.
Từ ngày 20-5, Bộ Y tế Brazil cập nhật các hướng dẫn ứng phó với COVID-19, cho phép sử dụng thuốc Hydroxychloroquine điều trị cho các bệnh nhân nhẹ. Ngày 27-5, đại diện bộ này khẳng định Brasilia sẽ không rút lại khuyến cáo sử dụng loại thuốc này, bất chấp cảnh báo của giới y khoa trong và ngoài nước.
Trong một thử nghiệm độc lập, thuốc Hydroxychloroquine đang được công ty dược Novartis (có trụ sở tại Thụy Sỹ) cho sử dụng trên 440 bệnh nhân COVID-19 người Mỹ.
Phản bác các báo cáo đăng trên tạp chí y khoa The Lancet nghi ngờ tác dụng của thuốc Hydroxychloroquine, đại diện Novartis cho rằng các nghiên cứu đã được tiến hành không có khả năng chứng minh loại thuốc này gây ra các tác động không mong muốn.
Công ty này cũng cho rằng "chúng ta cần các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên và có kiểm soát để hiểu rõ hiệu quả và độ an toàn" của các ứng viên thuốc đặc trị COVID-19.
Tính tới 11 giờ trưa 27-5, gần 5.685.000 người dân trên toàn cầu đã nhiễm COVID-19, trong đó 352.225 trường hợp đã tử vong, theo chuyên trang thống kê Worldometer.