Taliban nói Trung Quốc có thể giúp Afghanistan xây dựng hòa bình

Phát ngôn viên Taliban Suhail Shaheen nói với tờ This Week in Asia rằng lực lượng này hy vọng sẽ làm việc với Trung Quốc để xây dựng hòa bình ở Afghanistan và sẽ thực hiện tốt cam kết giữ đất nước này không trở thành hang ổ khủng bố.

Bắc Kinh sẵn sàng tham gia quá trình tái thiết hòa bình của Afghanistan

“Chúng tôi sẵn sàng trao đổi với Trung Quốc về cách thúc đẩy mối quan hệ chung của chúng tôi, thiết lập hòa bình trong khu vực và về sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc tái thiết Afghanistan” - ông Suhail cho biết.

“Trung Quốc, quốc gia láng giềng vĩ đại của chúng tôi, có thể đóng một vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong công cuộc tái thiết Afghanistan cũng như trong sự phát triển kinh tế và thịnh vượng của người dân Afghanistan” - ông nói thêm.

Phát ngôn viên Taliban Suhail Shaheen. Ảnh: AP

Ông nhắc lại cam kết của Taliban về việc đảm bảo quốc gia Tây Nam Á này sẽ không trở thành hang ổ khủng bố, nói rằng lực lượng đã “đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng không ai có thể sử dụng đất của Afghanistan để chống lại các nước láng giềng và các nước khác”.

Trước đó, ngày 29-8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng tất cả các bên nên liên lạc với Taliban và hướng dẫn nhóm này vượt qua những vấn đề đang diễn ra ở Afghanistan, theo tờ South China Morning Post.

Ở một diễn biến khác, trang web Trung Quốc Guancha.cn dẫn lời ông Yue Xiaoyong - Đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Afghanistan - rằng Bắc Kinh sẵn sàng tham gia vào quá trình tái thiết hòa bình của Afghanistan và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì liên lạc với nhóm này.

Đồng minh chống IS

Ông Faran Jeffery - Phó Giám đốc Cơ quan Thần học Hồi giáo có trụ sở tại Anh - cho biết vụ đánh bom liều chết ở Kabul tuần trước và các sự cố an ninh tiếp theo liên quan đến nhóm khủng bố Khorasan (ISIS-K) - một nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - có khả năng khiến Trung Quốc lo lắng và thúc đẩy nước này hợp tác với Taliban.

Ông Jeffery cho biết hiện tại, Taliban được nhiều quốc gia coi là lực lượng duy nhất trên thế giới có khả năng chống lại nhóm khủng bố Khorasan. Theo ông, Taliban đã thành công trong việc chống lại ISIS-K trên chiến trường ở các tỉnh Kunar và Nangarhar. Ông Jeffery cho biết ISIS-K luôn coi Taliban là kẻ thù lớn, cảnh báo nhóm này sẽ có thể tìm cách trả thù Taliban.

Jeffery cho biết thêm, việc Taliban tăng cường hợp tác với Mỹ và tìm kiếm tính hợp pháp quốc tế sẽ tạo điều kiện ISIS-K lôi kéo nhiều chiến binh Taliban cực đoan đào tẩu. Ông cảnh báo rằng rất có thể trong tương lai sẽ lại xảy ra chiến tranh giữa Taliban và ISIS-K.

Ông cho biết Trung Quốc coi ISIS-K là "mối đe dọa nghiêm trọng có thể gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc ở Afghanistan cũng như ở khu vực xung quanh, chẳng hạn như ở Pakistan".

Xa vời viễn cảnh Trung Quốc tham chiến

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Afghanistan - nơi có trữ lượng đồng, than, sắt, khí đốt, coban, thủy ngân, vàng, lithium và thorium chưa được khai thác lớn nhất thế giới, trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD

Dù vậy, theo ông Jeffery, viễn cảnh Bắc Kinh tham chiến rất khó xảy ra. Trung Quốc đã không chính thức công nhận Taliban là chính phủ hợp pháp của Afghanistan, song vẫn là một trong những nước đầu tiên liên lạc với nhóm này. Hồi tháng 7, một phái đoàn ngoại giao của Taliban đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Vương Nghị ở TP Thiên Tân, Trung Quốc.

“Trong trường hợp Trung Quốc công nhận một chính phủ Taliban, lực lượng này có thể ký các thỏa thuận vũ khí cho các loại vũ khí nhỏ, máy bay không người lái,... nếu có đủ niềm tin vào Bắc Kinh” - ông Jeffery cho hay.

Ông nói rằng Taliban "chắc chắn hy vọng" rằng Bắc Kinh sẽ công nhận chính phủ của mình, nhưng cách tiếp cận của Trung Quốc sẽ được phối hợp với các nước trong khu vực, đặc biệt là Pakistan.

Ông Jeffery cho biết Bắc Kinh có rất nhiều lo ngại về tương lai của Afghanistan. “Trừ khi những lo ngại đó được loại bỏ, vai trò an ninh của Trung Quốc ở Afghanistan là khó có thể xảy ra” - ông nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm