Thuốc điều trị COVID-19: Những gì biết đến lúc này

Thế giới đã phát triển được nhiều loại vaccine ngừa COVID-19 và sẽ còn nhiều loại nữa ra đời, tuy nhiên thuốc điều trị - một yếu tố cực quan trọng để giúp người nhiễm sống và giúp kiểm soát được đại dịch - thì tới thời điểm này chưa có nhiều thành công, theo trang tin MIT Technology Review (thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts - Mỹ).

Tỉ lệ chủng ngừa có thể đủ cao ở một số nước giàu để đạt được miễn dịch cộng đồng nhưng dịch vẫn đang hoành hành rất mạnh ở các nước bị hạn chế trong tiếp cận vaccine. Vì thế việc tìm được thuốc điều trị vẫn là điều cấp thiết.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại phòng chăm sóc đặc biệt
BV tư Centre Cardiologique du Nord gần Paris (Pháp) ngày 4-5. Ảnh: REUTERS

Kho vũ khí thưa thớt

Theo chuyên gia Rachel Cohen, Giám đốc điều hành chi nhánh Bắc Mỹ của chương trình Sáng kiến về thuốc cho các dịch bệnh bị bỏ rơi (DNDi - một chương trình nhằm phát triển các loại thuốc mới điều trị các căn bệnh mà các công ty dược bỏ qua), cần thiết phải có thuốc điều trị cho mọi giai đoạn của bệnh và điều này đang rõ hơn bao giờ hết.

Thuốc điều trị có thể giúp người nhiễm tránh phải nhập viện và cũng có thể ngăn bệnh nhân nhập viện không phải chết, theo bà Cohen. Các loại thuốc điều trị cũng có thể là một chốt chặn quan trọng một khi virus SARS-CoV-2 đột biến đến mức tránh được phản ứng miễn dịch ở những người đã được tiêm vaccine. Ngoài ra còn một lý do nữa cần thiết phải tìm ra thuốc điều trị hữu hiệu. SARS-CoV-2 là loại coronavirus thứ ba lây từ động vật sang người xuất hiện trong 20 năm qua và theo nhà virus học Michael Diamond tại ĐH Y khoa Washington, “đây có thể không phải là loại coronavirus cuối cùng mà chúng ta nhìn thấy”.

Hiện không có nhiều liệu pháp điều trị COVID-19. Đối với những bệnh nhân nặng, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng steroid dexamethasone làm giảm 1/3 nguy cơ tử vong.

Một số liệu pháp khác nhắm vào chính virus. Một số công ty đã được cho phép sử dụng khẩn cấp các kháng thể đơn dòng. Các kháng thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm hoạt động giống như các kháng thể tự nhiên: Chúng liên kết với virus và ngăn virus lây nhiễm vào các tế bào. Khi được sử dụng sớm, các kháng thể đơn dòng hoặc sự kết hợp của các liệu pháp này làm giảm tỉ lệ nhập viện hoặc tử vong từ 70% đến 87%. Những loại thuốc này hoạt động hiệu quả nhất ở những bệnh nhân chưa tiến triển nặng.

Nhược điểm của liệu pháp kháng thể là đắt tiền và phải được tiêm truyền tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da. Với nhiều nước thu nhập trung bình đến thấp thì đây không phải lựa chọn tốt. Hơn nữa liệu pháp kháng thể này có thể không hiệu quả với một số biến thể đang lan tràn. Ngày 25-6, Cục Quản lý thực phẩm và thuốc (FDA) ở Mỹ đã tạm dừng phân phối hỗn hợp kháng thể Lilly trên toàn quốc vì liệu pháp này có vẻ không chống được một số biến thể của virus.

Về thuốc kháng virus, tức làm gián đoạn khả năng tái tạo của virus thì thậm chí còn có ít lựa chọn hơn. Remdesivir (được tạo ra để trị virus Ebola và virus Marburg) là loại thuốc duy nhất được chấp thuận để điều trị COVID-19, một phần lớn vì nó là một trong số ít ứng cử viên đã được thử nghiệm về độ an toàn ở người khi đại dịch ở mức đỉnh điểm. Tuy nhiên, về hiệu quả vẫn còn nhiều băn khoăn. Một số nghiên cứu cho rằng loại thuốc này giúp rút ngắn thời gian bệnh, trong khi một số nghiên cứu khác cho thấy nó ít có tác động. Tổ chức Y tế Thế giới không khuyến cáo sử dụng loại thuốc này.

Mỹ đồng ý chi 1,2 tỉ USD mua 1,7 triệu liều thuốc kháng virus có tên molnupiravir của Merck. Hiện loại thuốc này đã vượt qua thử nghiệm giai đoạn 2 trong điều trị COVID-19. 

Chậm vì nhiều lý do

Ngoài những thách thức về khoa học, tiến trình tìm kiếm thuốc điều trị COVID-19 bị chậm vì nhiều lý do. Các loại thuốc kháng virus hiện tại chỉ nhắm vào 10 loại virus và nửa trong đó được dùng điều trị HIV. Trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, các công ty dược không có nhiều động lực tài chính để phát triển, sản xuất các loại thuốc kháng virus. Các dạng nhiễm trùng mạn tính cần điều trị lâu hơn và do đó kiếm được nhiều tiền hơn. Theo ông John Bamforth, Giám đốc điều hành lâm thời của READDI (Sáng kiến phát triển thuốc kháng virus mới nổi và lan nhanh - Mỹ), “nếu không có một thị trường rõ ràng cho một loại thuốc thì nói chung, họ (các công ty dược) sẽ không đầu tư vào những loại thuốc đó”.

Một số nhà nghiên cứu, bao gồm cả những nhà nghiên cứu tại READDI, đang nghiên cứu các loại thuốc nhắm vào các protein tế bào vốn rất quan trọng cho sự nhân lên của virus. Hầu hết thuốc kháng virus chỉ hoạt động trên một loại virus duy nhất. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hy vọng những thuốc này sẽ có hiệu quả chống lại tất cả chủng virus, cũng như ít bị kháng hơn.

Tuy nhiên, để phát triển được loại thuốc này cần nhiều thời gian. Cách nhanh nhất để có được thuốc điều trị khả dĩ ngay là nghiên cứu thêm và sử dụng lại các loại thuốc hiện có và đã được phê duyệt. Vì những loại thuốc này đã được kiểm tra về độ an toàn và có ít rào cản về mặt quy định hơn đối với việc được cấp phép đưa một loại thuốc mới phát triển được đưa vào sử dụng.

DNDi đang thực hiện cuộc thử nghiệm lâm sàng có tên ANTI-COV với một số loại thuốc hiện có. Nghiên cứu mới nhất tập trung xem xét khả năng điều trị của thuốc chống ký sinh trùng nitazoxanide kết hợp với steroid dạng hít.

Nguy cơ tiếp cận không đều

Chúng ta đã chứng kiến sự tiếp cận không đều với vaccine. Tại Mỹ và Anh, hơn 45% dân số được tiêm chủng. Trong khi đó ở CHDC Congo và Chad, những nước nghèo ở châu Phi, tỉ lệ dân số được tiêm chủng chưa tới 0,1%.

Ở những nước tỉ lệ bao phủ vaccine thấp, virus hoàn toàn có khả năng bùng phát mạnh hơn. Như lời chuyên gia Cohen, chúng ta đang chứng kiến khủng hoảng ngày càng tăng ở tiểu lục địa Ấn Độ, ở Mỹ Latinh và ở châu Phi trong vài tuần qua. Theo bà, đây là những nơi rất cần không chỉ vaccine mà cả thuốc điều trị. Tuy nhiên, điều bà Cohen lo là bất kỳ loại thuốc điều trị nào một khi phát triển đều sẽ khó đến được các nước này.

Ý kiến về điều này, Giám đốc điều hành Bamforth nói thẳng: “Chúng tôi cần đảm bảo rằng những loại thuốc này có thể tiếp cận được với tất cả quốc gia trên thế giới có khả năng mua chúng”.•

 

Nhiều liên minh, tổ hợp đang tích cực phát triển thuốc

Tại Mỹ, giữa tháng 6, một số quan chức Mỹ thông báo rằng chính phủ liên bang sẽ chi 3,2 tỉ USD phát triển thuốc kháng virus để điều trị COVID-19 cũng như các virus gây dịch trong tương lai. Con số này khá khiêm tốn so với hơn 10 tỉ USD mà chính quyền tiền nhiệm Donald Trump đã chi cho chiến dịch thần tốc phát triển vaccine. Chương trình chống virus cho đại dịch đặt mục tiêu tăng tốc độ thử nghiệm đối với 19 loại thuốc chống virus đang trong giai đoạn phát triển.

Ngoài ra cũng đang có một số sáng kiến thúc đẩy phát triển thuốc kháng virus. Hơn 20 công ty công nghệ sinh học và dược phẩm đã hợp tác với nhau thành lập liên minh INTREPID để cung cấp 25 ứng cử viên thuốc mới với mục tiêu chống các mầm bệnh virus gây ra nguy cơ đại dịch lớn nhất, bao gồm cả coronavirus. Tổ hợp quốc tế COVID Moonshot bao gồm các nhà khoa học từ các viện hàn lâm, công nghệ sinh học và dược phẩm nghiên cứu phát triển các loại thuốc ức chế một loại enzym cụ thể trong virus SARS-CoV-2. Dự án dựa trên sự huy động vốn cộng đồng và nguồn cung ứng cộng đồng. Bất kỳ ai cũng có thể gửi mẫu thiết kế thuốc và xem những mẫu đã được gửi. Tính đến ngày 28-6, dự án đã thu thập được 17.976 thiết kế phân tử, đã tổng hợp và thử nghiệm gần 1.500 mẫu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm